Thứ sáu,  20/09/2024

Bỏ thuốc lá, dễ hay khó?

LSO- Hằng năm, tuần lễ không hút thuốc lá (25-31/5) và ngày Thế giới không hút thuốc lá (31/5) được tỉnh Lạng Sơn hưởng ứng thông qua nhiều hoạt động, trong đó có nội dung vận động người sử dụng bỏ thuốc lá. Thế nhưng, hiệu quả của nội dung này thường chưa cao bởi bỏ thuốc lá được cho là khó thực hiện.


Cán bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn nhắc nhở người bệnh
không hút thuốc lá trong thời gian điều trị và sau khi ra viện

Theo khảo sát của phóng viên đối với một số người đang hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều từng có ý định bỏ thuốc nhưng không thành công, hoặc bỏ được một thời gian ngắn rồi hút lại… Những người này thường tìm nhiều lý do như: hút thuốc lá giúp giảm căng thẳng, tăng tập trung, giảm đau,… để trì hoãn bỏ thuốc mà không mấy bận tâm đến những tác hại của thuốc lá. Bác sỹ Vi Thị Bình, Trưởng khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Những “hiệu quả” thuốc lá đem lại chỉ là tạm thời, còn hậu quả về sức khỏe mà người hút phải đánh đổi sau này là rất lớn. Ngay cả những bệnh nhân đã và đang điều trị tại khoa, dù chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhưng tỷ lệ bệnh nhân bỏ thuốc hoàn toàn sau khi ra viện cũng chỉ đạt khoảng 90%. Do đó, việc bệnh nhân quay lại điều trị bệnh ở mức độ nặng hơn trước vẫn thường xuyên xảy ra.

Dù hiểu về tác hại của thuốc lá nhưng phần lớn đều cho rằng, cai thuốc rất khó mà không nhận ra nguyên nhân chính là do người hút chưa thực sự nghiêm túc và quyết tâm bỏ thuốc. “Nghiện” thuốc lá tương đối giống “nghiện” ma túy, không thể bỏ ngay lập tức mà cần phải theo lộ trình giảm dần số lượng điếu thuốc mỗi ngày, do đó nếu người “cai” không kiên trì cũng sẽ rất khó thành công. Anh Nguyễn Ngọc Ninh (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) – người tự bỏ thuốc lá thành công kể lại: Trước đây có ngày tôi hút trên 20 điếu. Năm 2014, tôi bắt đầu lái taxi, qua phương tiện thông tin đại chúng và cảm nhận về sức khỏe của bản thân, tôi hiểu được tác hại của thuốc lá và khói thuốc. Nghĩ tới bản thân, gia đình và hành khách, tôi quyết tâm “cai” thuốc. Thời gian đầu cảm giác bứt rứt khó chịu, mất tập trung thường xuyên xuất hiện thôi thúc tôi hút thuốc nhưng nghĩ tới quyết tâm trước khi bỏ, tôi cố gắng tập trung vào những công việc khác, tránh những nơi có thuốc lá, sử dụng kẹo cao su,… để quên đi cảm giác thèm thuốc lá. Dần dần sau 5 tuần, tôi cảm thấy bình thường khi không sử dụng thuốc lá và thậm chí còn sợ mùi thuốc lá.

Ngoài việc bảo vệ bản thân và gia đình trước những căn bệnh về phổi, huyết áp, ung thư…, “cai” thuốc lá còn đem lại nhiều lợi ích rõ rệt cho người hút. Trước hết, sức khỏe của người hút sẽ được cải thiện ngay sau khi bỏ thuốc, ăn uống ngon miệng và tiết kiệm chi phí mỗi ngày. Hiểu biết, quyết tâm và kiên trì theo phương pháp đúng là những yếu tố quan trọng để thành công trong “lộ trình” bỏ thuốc lá. Nói hiểu biết là một trong những yếu tố quan trọng bởi có nhiều trường hợp chưa từng có ý định bỏ thuốc chỉ vì thiếu hiểu biết. Ông Vi Văn Quế (xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng) cho biết: Tôi đã hút thuốc lào từ năm 10 tuổi, sau đó chuyển sang hút thuốc lá. Những năm trước, xuất hiện dấu hiệu khó thở, sức khỏe giảm sút nhưng do chủ quan nên tôi vẫn hút thuốc bình thường bởi không hiểu được tác hại của thuốc lá. Đến giờ khi hiểu ra thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn tắc nghẽn phổi mạn tính, tôi thường xuyên phải dùng thiết bị hỗ trợ cung cấp oxi cho cơ thể.

Để những người đang sử dụng thuốc lá có động lực bỏ thuốc lá, cùng với việc thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn phương pháp bỏ thuốc lá cụ thể, rõ ràng cho người hút, nhấn mạnh lợi ích của việc bỏ thuốc lá, khuyến khích họ đến các cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ. “Cai” thuốc lá vốn không khó, chỉ cần có quyết tâm cùng với phương pháp đúng, người hút nào cũng đều có thể bỏ thuốc lá thành công.

HOÀNG NHƯ