Thứ sáu,  20/09/2024

Vụ phi công VNA “cầu cứu”: Ưu tiên áp dụng Luật hàng không dân dụng

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vừa có phần trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 về vụ một nhóm phi công đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng vì cho rằng Vietnam Airlines gây khó không cho nghỉ việc, nếu nghỉ phải bồi thường số tiền lớn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trả lời tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phi công hãng hàng không Vietnam Airlines lại có đơn kiến nghị để giải quyết những vấn đề đã tồn tại từ rất lâu rồi, điều đó cho thấy việc giải quyết của Bộ GTVT vẫn chưa triệt để, thậm chí các phi công cho biết họ sẽ khởi kiện 2 thông tư của Bộ GTVT là Thông tư 41/2015 và Thông tư 21/2017, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam”.

Nói rõ hơn, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, về Thông tư số 41/2015 ngày 12/8/2015; Thông tư 21/2017 thay thế Thông 41 sau này, hai thông tư này điều chỉnh việc sử dụng người lao động trong lĩnh vực hàng không.

“Thực chất, lĩnh vực hàng không có nhiều điểm rất đặc biệt , tiêu chí an toàn an ninh hàng không phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn đặc biệt khắt khe. Đào tạo các nhân viên ngành hàng không đặc biệt là các phi công rất mất thời gian, quy trình quy định khác nhau”, Thứ trưởng nói.

Theo đó, tại Khoản 1, Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng 2006 đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về chế độ lao động đặc thù đối vơi nhân viên hàng không. Căn cứ quy định này, ngày 12/8/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT (được thay thế bởi Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT) để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng nhân viên hàng không bậc cao, tạo điều kiện cho việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hài hòa, không tạo nên những đột biến trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay.

Theo quy định của Thông tư thì nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày. Còn theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.

Như vậy, Điều 37 của Bộ luật Lao động chỉ quy định mức giới hạn tối thiểu mà không quy định mức tối đa. Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 3, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định. Vì thế, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

“Ví dụ như Vietjet, 76% phi công được thuê từ nước ngoài, các nước khác nhau sử dụng các luật khác nhau, quản lý thì phải làm chặt không để xảy ra việc này việc khác”, Thứ trưởng nói.

Trước đó, trong đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các phi công của Vietnam Airlines (VNA) nói rằng hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động, môi trường làm việc không đảm bảo. Cùng với đó là các bất cập đang tồn tại ở VNA và khẳng định đã nhiều lần đối thoại với doanh nghiệp trong nhiều năm, nhưng không nhận được hợp tác.

“Trong 3 năm qua chúng tôi đã đối thoại với VNA rất nhiều nhưng không nhận được sự hợp tác. Môi trường làm việc không được đảm bảo, gây bức xúc trong công việc cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các phi công. Lương phi công cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không…”, nội dung đơn nêu.

Trước đó, ngày 11/5, Vietnam Airlines cũng đã gửi báo cáo về việc 7 phi công của hãng xin thôi việc tới Cục Hàng không và đề nghị cục xem xét giải quyết tránh gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Năm 2015, nhiều phi công của VNA cũng xin thôi việc vì chê mức lương mà hãng chi trả thấp. Lúc đó, Bộ Giao thông đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Hàng không và VNA, yêu cầu tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác với lực lượng lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines. Với công văn này, phi công nào đang muốn xin chuyển từ Vietnam Airlines sang hãng khác bị từ chối.

Trong báo cáo công bố giữa năm 2017, mức lương bình quân các phi công của VNA năm 2016 đã tăng gần 5% so với 2015, lên 115,3 triệu đồng mỗi tháng, xấp xỉ 1,4 tỷ đồng/năm. Năm 2015, lương bình quân mỗi phi công của hãng này nhận là hơn 110 triệu đồng/tháng, tương đương 1,32 tỷ đồng năm.

Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng lương chung của các vị trí công tác khác tại hãng thì mức tăng lương phi công tương đối thấp.

Cụ thể, trong khi lương bình quân phi công năm 2016 chỉ tăng gần 5% thì tốc độ tăng lương của vị trí tiếp viên hàng không VNA lên tới 11%. Lương bình quân cán bộ, nhân viên (trừ Hội đồng quản trị và Ban giám đốc) cũng tăng gần 13%.

Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GTVT chuyển phản ánh, kiến nghị của một nhóm phi công người Việt đang công tác tại đoàn bay 919 thuộc VNA, để Bộ này xem xét, giải quyết. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đã có văn bản trả lời cụ thể.

Theo Chinhphu