Thứ sáu,  20/09/2024

Đặt hàng đào tạo nghề: Đã chuyển biến, nhưng chưa mạnh mẽ

LSO- Theo thống kê của phòng chức năng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2012 trở lại đây, chỉ có Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn mở được lớp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng. Thực tế đó cho thấy, đặt hàng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến, nhưng chưa tạo được thay đổi mạnh mẽ.

Xuất phát từ nhu cầu muốn có việc làm để ổn định cuộc sống, nhiều người đã chuyển hướng từ học làm “thầy” sang học làm “thợ” – học nghề để dễ tìm việc làm trong các doanh nghiệp (DN). Đáp ứng nhu cầu đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã chuyển dần từ đào tạo nghề theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của DN. Theo đó, năm 2012,  Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh tổ chức ký kết đào tạo theo đặt hàng của DN nhằm hỗ trợ người học nghề sau khi học tìm được việc làm tại DN, giúp DN tìm được lao động có tay nghề để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN. Nếu trước năm 2012, chưa có đơn đặt hàng nào về đào tạo nghề giữa DN và cơ sở GDNN, thì từ năm 2012, đã có đơn đặt hàng đầu tiên giữa DN với Trường Trung cấp Nghề Việt Đức (nay là Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn).

Học sinh tham gia lớp đào tạo đặt hàng lắp xe đạp điện giữa Công ty TNHH Một thành viên DK Việt Nhật và Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn

Tuy nhiên, không phải cơ sở GDNN nào cũng có đơn đặt hàng dạy nghề như Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn. Bằng chứng là từ trước đến nay, 21 cơ sở GDNN còn lại chưa mở được lớp đào tạo nghề nào theo đơn đặt hàng. Nguyên nhân được ngành chức năng chỉ ra là: DN trên địa bàn tỉnh hầu hết quy mô nhỏ và siêu nhỏ, ít nhân công, ít có nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo vì phần lớn chỉ cần lao động phổ thông; DN khi tuyển dụng người lao động thường tự đào tạo theo kiểu “truyền kinh nghiệm” nên không có nhu cầu cho người lao động đi học nghề…

Tìm hiểu về vấn đề này được biết, từ năm 2012 đến hết năm 2014, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn có 3 đơn đặt hàng đào tạo nghề. Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Long đặt hàng dạy nghề kỹ thuật gia công cắt gọt kim loại và kỹ thuật điện cho trên 50 lao động; Công ty TNHH Thành Phát, Công ty TNHH Tuấn Anh đặt hàng dạy nghề gia công cơ khí, kỹ thuật điện cho gần 60 lao động. Tất cả lao động sau khi được đào tạo đều được nhận vào làm việc, có mức lương ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu công việc. Tháng 4/2018, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn tổ chức 2 lớp lắp ráp xe đạp điện theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Một thành viên ĐK Việt Nhật cho 54 học sinh lớp Trung cấp Cơ điện nông thôn và Trung cấp Công nghệ ô tô. Em Lương Văn Hiếu, học sinh lớp Trung cấp Cơ điện nông thôn khóa 16 chia sẻ: “Chúng em đang được tạo điều kiện 1 buổi đi học, 1 buổi làm trực tiếp, hưởng lương theo sản phẩm tại công ty. Em rất vui vì được giám đốc công ty đánh giá tốt năng lực, nhiều bạn còn được nhận xét có tay nghề hơn hẳn công nhân đã làm trước đó. Đây là cơ hội tốt để chúng em tìm được việc làm ngay sau khi ra trường”.

Để giải quyết vấn đề chưa có nhiều đơn đặt hàng đào tạo nghề giữa DN và cơ sở GDNN, tháng 3/2018, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Hiệp hội DN tỉnh rà soát, thống kê nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo trong DN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua rà soát, thống kê, chỉ có 1 DN có nhu cầu tuyển 20 công nhân làm mộc; 1 DN có nhu cầu tuyển 33 công nhân kỹ thuật điện máy, trung cấp chế biến lâm sản, nghề lái máy công trình nhưng có thể làm việc ngay, chứ không có nhu cầu đặt hàng đào tạo nghề. Tiếp đó, tháng 4/2018, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có kế hoạch cụ thể gửi các đơn vị liên quan về đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh các DN trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu DN chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để xác định số lượng, chất lượng lao động cần tuyển dụng và đào tạo đặt hàng trực tiếp với các cơ sở GDNN.

Để đặt hàng đào tạo nghề không còn “xa lạ” với DN cũng như cơ sở GDNN, thời gian tới, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền đặt hàng đào tạo nghề bằng nhiều hình thức như: trên phương tiện thông tin đại chúng; pano, áp phích; gắn với tuyên truyền thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới… Cùng đó là tổ chức đối thoại giữa cơ quan quản lý, DN, cơ sở GDNN và người lao động; đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo theo hướng kiểm soát đầu ra, gắn chặt nhà trường – DN ngay từ khâu xây dựng chương trình đào tạo để đảm bảo lao động được đào tạo đáp ứng được yêu cầu của DN, ngành nghề đào tạo phải đáp ứng yêu cầu thị trường lao động chứ không dựa trên năng lực sẵn có của cơ sở GDNN; rà soát, quy hoạch lại hệ thống cơ sở GDNN đi đôi với khuyến khích DN tham gia đặt hàng đào tạo nghề để tiếp nhận người lao động vào làm việc…

THANH HÒA