Thứ năm,  19/09/2024

Đeo thẻ công vụ: Nét văn minh nơi công sở

LSO- Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đeo thẻ khi làm nhiệm vụ, công vụ tưởng chừng như là một việc làm nhỏ nhưng đem lại ý nghĩa rất lớn bởi thể hiện được tinh thần kỷ luật kỷ cương hành chính (KLKCHC) và giúp người dân dễ nhận biết được chức danh, chức vụ của cán bộ.

   Công cụ để dân dễ nhận biết

Có mặt tại UBND xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn chiều ngày 10/5/2018, chúng tôi chứng kiến toàn bộ CBCC xã đều đeo thẻ khi làm nhiệm vụ. Anh Vũ Ngọc Thảo, công chức địa chính xã kể: “Việc đeo thẻ khi làm nhiệm vụ được lãnh đạo xã quán triệt thường xuyên, liên tục. Ngày nào đến trụ sở hoặc đi làm nhiệm vụ, chúng tôi cũng thường xuyên đeo thẻ nhằm công khai họ tên, chức vụ của mình và tạo hình ảnh đẹp trong môi trường công sở”. Chị Lâm Thị Hằng, thôn Quảng Trung 3, xã Quảng Lạc đang thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” xã bày tỏ: “So với trước, tôi thấy tác phong, hình ảnh cán bộ xã có nhiều thay đổi, nhất là việc cán bộ đều đeo thẻ công chức khi giải quyết thủ tục giúp chúng tôi biết rõ họ tên, chức vụ của từng người giao dịch với mình”.

Từ thực tế trên cho thấy, việc CBCCVC đeo thẻ khi thực thi nhiệm vụ tuy là một việc làm nhỏ nhưng đem lại ý nghĩa rất lớn, có tác động trực tiếp đến người dân, giúp người dân có thể quan sát,  nhận biết và xác định vị trí, chức danh của từng cán bộ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hơn nữa, còn tạo nên tính chuyên nghiệp và nét văn minh nơi công sở. Với trường hợp CBCCVC có biểu hiện tiêu cực thì qua đeo thẻ, người dân còn có thể biết rõ để kịp thời phản ánh đến cơ quan, đơn vị quản lý.

Công chức “một cửa” UBND xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đeo thẻ khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Ông Vũ Đức Thiện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, những năm gần đây, Lạng Sơn quán triệt, triển khai việc đeo thẻ đối với CBCCVC, người lao động tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Qua đây, nhu cầu cấp thẻ CCVC của các đơn vị tăng lên. Năm 2017, sở đã cấp đổi, cấp mới 5.595 thẻ CCVC, tăng trên 4.000 thẻ so với năm 2016. Từ đầu năm 2018 đến nay, sở đã cấp gần 3.000 thẻ CCVC.

   Cần nề nếp hơn

Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường KLKC trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp” có quy định CBCCVC, người lao động phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù đã được triển khai song trên thực tế, việc làm này chưa được quan tâm ở một số cơ quan, đơn vị và chưa trở thành thói quen của mỗi CBCCVC. Nhiều cán bộ cho rằng đeo thẻ khi làm nhiệm vụ là vướng víu, không cần thiết hoặc cho đây là “chuyện nhỏ” nên không chấp hành nghiêm túc. Do đó, việc đeo thẻ còn mang tính hình thức, đối phó. Minh chứng cho điều này là qua công tác kiểm tra KLKCHC năm 2018 của đoàn kiểm tra KLKCHC tỉnh (bắt đầu từ ngày 24/4) đối với hơn 10 cơ quan, đơn vị cho thấy, còn một số CBCCVC không đeo thẻ khi làm nhiệm vụ. Ví dụ như tại thời điểm kiểm tra ngày 24/4/2018, công chức “một cửa” và một số công chức ở các phòng chuyên môn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không đeo thẻ; kiểm tra tại các xã: Hữu Lân, Hiệp Hạ, Hữu Khánh, Tú Mịch (huyện Lộc Bình) ngày 8/5/2018 thì đa số CBCC không đeo thẻ. Qua kiểm tra, đoàn đã ghi chép danh sách các trường hợp chưa đeo thẻ, tìm hiểu nguyên nhân CBCCVC chưa đeo thẻ; đồng thời yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị chấn chỉnh nghiêm túc việc làm này tại đơn vị. Với trường hợp CBCCVC không đeo thẻ do đang trong quá trình xin cấp đổi, cấp lại thẻ, đoàn cũng có ý kiến với phòng chuyên môn Sở Nội vụ đẩy nhanh việc làm thẻ và cấp kịp thời đến các đơn vị.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ – thành viên đoàn kiểm tra KLKCHC của tỉnh cho rằng: Để việc đeo thẻ công vụ đi vào nề nếp, góp phần thực hiện tốt KLKCHC trên địa bàn thì người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không những phải gương mẫu mà còn có vai trò quan trọng trong quán triệt CBCC đeo thẻ. Mỗi CBCCVC cũng cần nâng cao ý thức tự giác để việc đeo thẻ khi làm nhiệm vụ trở thành thói quen được thực hiện thường xuyên, liên tục.

MINH ĐỨC