Thứ sáu,  20/09/2024

Đừng hại con trẻ bằng điện thoại thông minh

LSO- Điện thoại thông minh (smartphone) là thiết bị điện tử hữu ích trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, ngoài chức năng thông dụng, nhiều bậc cha mẹ đã vô tình biến chúng thành “bảo mẫu công nghệ” mà không lường trước được những tác hại mà smartphone có thể gây ra cho trẻ.

     Co giật cơ mặt, chậm nói…

Lúc đầu thấy bé Hoa (6 tuổi) có biểu hiện máy mắt khi nói chuyện, chị Nguyễn Thanh Hương (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) chỉ nghĩ là mắt của con mình bị bụi, cộm. Đến khi biểu hiện ngày càng tăng, mắt bị máy, đảo liên tục, nhíu mũi, co giật cơ mặt, chị Hương và người nhà mới phát hoảng đưa cháu đi Bệnh viện mắt Trung ương kiểm tra. Chị Hương kể: Cô giáo thông tin ở trường, cháu đảo mắt liên tục, cơ mặt co giật, không tập trung học, vợ chồng tôi liền đưa cháu đi khám. Bác sĩ kết luận con tôi bị Hội chứng TIC (một vận động không chủ ý, xảy ra nhanh, lặp đi lặp lại) do xem điện thoại quá nhiều. Sau nửa tháng dùng thuốc điều trị và “cai” điện thoại, mắt của cháu đã bình thường trở lại.

Trẻ em sử dụng điện thoại thường xuyên sẽ giảm đi sự giao tiếp xã hội

Không có biểu hiện cụ thể như bé Hoa, bé Hoàng Tiến Duy (xã Xuân Mai, huyện Văn Quan) năm nay gần 4 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói. Anh Hoàng Văn Tiến, bố cháu Duy cho biết: Lúc hơn 12 tháng cháu cũng bập bẹ nói “bà, mẹ”. Nhưng sau đó, mẹ cháu cho cháu xem điện thoại trong lúc tranh thủ làm việc nhà. Dần cháu thường xuyên “dán mắt” vào điện thoại, giảm giao tiếp với người xung quanh. Đến khi 3 tuổi rưỡi, cháu vẫn chưa biết nói. Hai tháng trước, tôi cho cháu đi khám, được hướng dẫn biện pháp điều trị, vợ chồng tôi cho cháu “cách ly” điện thoại dần dần và dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, chơi cùng con. Giờ cháu bắt đầu nói được nhiều hơn.

     Không thể chủ quan

Hiện nay, khi đi đến những nơi công cộng, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa bé “dán mắt” vào màn hình điện thoại trong khi phụ huynh đang tranh thủ xử lý việc riêng. Việc đưa smartphone cho trẻ sử dụng đã trở thành thói quen của không ít phụ huynh. Thậm chí nhiều phụ huynh còn cho rằng, việc cho trẻ sử dụng smartphone là cách hiệu quả nhất để “dỗ trẻ”. Và tất nhiên, dù vì bất kỳ lý do gì thì việc sử dụng điện thoại thông minh như một “bảo mẫu công nghệ” đều gây ra tác hại đối với trẻ. Đó là mất thời thời gian vô ích hoặc sử dụng thời gian không hiệu quả, đặc biệt từ khi xuất hiện facebook, zalo và các phần mềm tiện ích khác. Một khi nghiện smartphone, các em dễ có những suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống, do không biết lựa chọn thông tin giữa lượng thông tin bao la trên internet, dẫn tới nhiều tệ nạn xã hội.

Bác sĩ Chu Đình Quế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc khuyến cáo: Việc cho trẻ xem điện thoại quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, thị giác, sự phát triển tâm sinh lý… Phụ huynh cần hạn chế việc để trẻ em chơi game, điện thoại di động, xem ti vi thay vào đó nên cho trẻ ra ngoài vận động, tham gia các hoạt động tập thể để giải tỏa năng lượng, gắn kết tình cảm gia đình, tăng khả năng giao tiếp xã hội.

Ngoài những ảnh hưởng về sức khỏe, điều đáng lo nhất là khi phụ huynh cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ số, có kết nối mạng xã hội còn tiềm ẩn nguy cơ bị bạo lực, xâm hại tình dục. Do mạng xã hội có nhiều trang web không lành mạnh mà trẻ chưa có đủ nhận thức để phòng tránh. Mặt khác, các đối tượng xấu thường lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lấy thông tin, thực hiện các hành vi xấu như: mua bán người, bạo lực, xâm hại tình dục…

Thiết nghĩ, để hạn chế tối đa ảnh hưởng của điện thoại thông minh đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần quản lý thời gian cho các con sử dụng smartphone một cách rõ ràng; hướng dẫn cho các con hiểu được smartphone là công cụ chứ không phải đồ chơi; sử dụng smartphone đúng mục đích làm gương cho các con noi theo.

Ngày 20/4/2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ban hành Quyết định số 467/QĐ-LĐTBXH phê duyệt Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, Sở LĐTBXH đã tổ chức tập huấn cho gần 400 cán bộ của 226 xã, phường, thị trấn; tổ chức lễ phát động và phát hơn 6.300 tờ rơi, 74 pa no, áp phích mang thông điệp “Công nghệ số – Thông tin tri thức lành mạnh, an toàn cho trẻ em phát triển”, “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng”…

NGỌC HIẾU