Thứ sáu,  20/09/2024

Năm 2018, diễn biến thiên tai tiếp tục phức tạp


Mưa lũ gây ngập lụt ở Quảng Bình.

Đó là cảnh báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra sáng nay, 24-7, tại Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền trung – Tây Nguyên do Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai tổ chức tại Đà Nẵng.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do đặc thù địa hình, miền trung – Tây Nguyên luôn là khu vực chịu nhiều thiên tai với đủ loại hình bão lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán nhất của cả nước. Năm 2017, đặc biệt trong ba tháng cuối năm, khu vực này đã gánh chịu hai cơn bão lớn và sáu đợt lũ trên diện rộng.

Năm 2018, tình hình thiên tai sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nên ngay từ bây giờ chính quyền, nhân dân các địa phương cần nêu cao tinh thần chủ động phòng, tránh để giảm thiểu tác hại do thiên tai gây ra.

Thống kê của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai cho thấy, trong năm 2017, với sự vào cuộc gắt gao từ T.Ư đến địa phương, đặc biệt là tinh thần chủ động của người dân, nên thiệt hại do thiên tai đã phần nào được hạn chế. Tuy nhiên con số người chết, mất tích vẫn còn nhiều, với 157 trường hợp; 4.055 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi; 234.667 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 172.341 ngôi nhà bị ngập nước… Xét về kinh tế, miền trung và Tây Nguyên bị thiệt hại khoảng 31.765 tỷ đồng, chiếm 53% so cả nước.

Điểm đáng ghi nhận, mặc dù bão to, lũ lớn, nhưng với sự hỗ trợ kịp thời từ T.Ư, chủ động của địa phương, tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của các tầng lớp nhân dân nên người dân bị thiên tai đã nhanh chóng gượng dậy, ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Không có người dân nào bị đói, rét.

Mặc dù ghi nhận những kết quả khả quan, nhưng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai vẫn thẳng thắn nhìn nhận, công tác phòng, chống thiên tai còn mắc phải một số khó khăn, đó là nguồn lực đầu tư cho hạ tầng dự báo, cảnh báo chưa có; việc đầu tư hạ tầng giao thông ở nhiều nơi vô tình cản trở, làm hẹp dòng chảy, ảnh hưởng việc thoát lũ. Tinh thần chủ động ở một số địa phương và cộng đồng dân cư chưa cao. Một số nơi còn sử dụng nguồn kinh phí phòng chống thiên tai sai mục đích.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, theo Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 76 của Chính phủ; đúc kết kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai năm 2017… Cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, chuẩn bị nhân lực, vật lực, phương tiện, nhu yếu phẩm sẵn sàng ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Với các khu vực như đồng bằng ven biển, miền núi, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đã yêu cầu rà soát các kịch bản ứng phó với từng loại hình thiên tai, sớm khắc phục những tồn tại ở từng địa phương, đơn vị.

Theo Nhandan