Thứ sáu,  20/09/2024

Triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 30-7 đến 2-8, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên trên thượng lưu sông Thao, sông Lô từ 2 đến 3m, sông Hoàng Long từ 0,5 đến 1 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao ở mức báo động (BÐ) 1- BÐ 2, thượng lưu sông Lô ở mức BÐ 1, sông Hoàng Long ở mức BÐ 2-BÐ 3.

* Trước diễn biến của mưa, lũ tiếp tục ảnh hưởng đến các địa phương, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCÐ) T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai biện pháp ứng phó; trực ban nghiêm túc 24 giờ trong ngày, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn diện rộng và các thời tiết nguy hiểm trên các bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia để chủ động các biện pháp phòng tránh; đồng thời tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, bảo đảm không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; bảo đảm thông tuyến giao thông; tập trung khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống người dân.

* Ngày 30-7, Văn phòng BCÐ T.Ư về PCTT, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) có công điện khẩn, yêu cầu TP Hà Nội, tỉnh Hòa Bình khẩn cấp ứng phó mưa lớn, nước sông dâng cao. Theo dự báo, hôm nay 31-7, khu vực Hòa Bình sẽ có mưa to trở lại, lượng mưa phổ biến 50-100mm, nhiều khả năng mực nước trên sông Bùi tại Yên Duyệt (Chương Mỹ, Hà Nội) sẽ lên trên mức BÐ3 khoảng 1 m. Vì vậy, tình trạng ngập lụt tại những khu vực trũng thuộc các huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình), nhất là các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới.

* Trước tình hình mưa diễn biến phức tạp, lũ tiếp tục đổ về, chiều 30-7, đồng chí Nguyễn Ðức Chung, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã kiểm tra công tác chống ngập, lụt ở đê tả sông Bùi, đoạn qua xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội).

Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, đê hữu sông Bùi có cao trình 6,5 m, đã bị tràn nước một tuần nay. Ðê tả sông Bùi có cao trình 7,5 m, đã vượt mức BÐ 3 và nước tiếp tục đổ về, dự kiến đạt đỉnh vào ngày 1-8, có khả năng gây ngập quốc lộ 6, quận Hà Ðông và một số khu vực nội đô khác. Sau khi thị sát tình hình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng ngay trong đêm 30-7 phải đắp bao cát tuyến đê tả Bùi dài khoảng 8km cao thêm 50cm, bảo đảm an toàn tuyến đê và cung cấp 5.000 bình nước uống cho người dân. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn người dân đi đánh cá trong khu vực nguy hiểm; đồng thời sẵn sàng di dời 14 nghìn hộ dân đến nơi an toàn khi lũ tiếp tục dâng cao.

* Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, ngày 30-7 khu vực Bắc Bộ có 13 trong số 286 hồ chứa lớn đầy nước, các hồ còn lại đạt 45-75% dung tích thiết kế. Mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2 đến 4 m. Ðối với các hồ chứa nhỏ, có 782 trong số 2.699 hồ tích đầy nước, số hồ còn lại đạt 60-85% dung tích thiết kế; mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1 đến 3 m. Ðáng chú ý, 138 hồ chứa xung yếu tiếp tục theo dõi, chủ động phương án bảo đảm an toàn.

* Theo thống kê của Cục Trồng trọt, tính đến ngày 30-7, có gần 90 nghìn ha lúa hè thu, mùa và 18.547 ha rau màu bị ảnh hưởng do mưa, lũ. Trong đó diện tích có khả năng khôi phục và gieo cấy lại khoảng 52.365 ha, ngập mất trắng khoảng 19.409 ha, diện tích bị ngập úng, các địa phương đang tiếp tục phân tách diện tích mất trắng và diện tích có khả năng khôi phục.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội, đến trưa 30-7, mực nước nhiều sông, hồ chứa lớn tại Hà Nội đang lên cao. Trong đó, mực nước sông Ðáy ở trạm thủy văn Ba Thá (huyện Ứng Hòa) đang hơn BÐ 2 khoảng 0,05 m; sông Nhuệ tại trạm Ðồng Quan hơn mức BÐ 1; sông Tích tại trạm Kim Quan trên mức BÐ 2, sông Bùi tại trạm Yên Duyệt hơn mức BÐ 3. Hiện mực nước năm trong số 13 hồ chứa lớn trên địa bàn TP Hà Nội gồm Kèo Cà, Quan Sơn, Văn Sơn, Miễu và Ðồng Sương đã vượt ngưỡng thiết kế…

* Tại tỉnh Hòa Bình, mưa lớn diện rộng những ngày qua đã làm sập 95 nhà ở do sạt lở đất đá, 76,6 ha lúa, hoa màu bị ngập úng. Mưa lớn cũng ảnh hưởng đến giao thông, chủ yếu do sạt lở ta-luy dương và ngập sâu trong nước. Ðể bảo đảm an toàn cho người dân, tỉnh Hòa Bình đã sơ tán khẩn cấp 16 hộ dân tại các xã Mường Chiềng, Giáp Ðắt, nơi có nguy cơ cao về sạt lở đất.

* Ngày 30-7, BCÐ T.Ư về PCTT đã ban hành Công điện số 24/CÐ-TW lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng tiếp một cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào hồi 10 giờ ngày 30-7. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về BCÐ T.Ư về PCTT trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế.

* Từ 10 giờ 30 phút ngày 30-7 đến 10 giờ 30 phút ngày 6-8, Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh (Thanh Hóa) thông báo và thực hiện xả lũ hồ chứa thủy điện Bá Thước 2, lưu lượng 800 m3/giây đến 1.500 m3/giây. UBND các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Ðịnh, Thiệu Hóa và các xã trong vùng ảnh hưởng cần thông báo khẩn cho nhân dân chủ động bảo vệ người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, công trình kiến trúc. Người dân tuyệt đối không đi lại, vớt củi, đánh cá ở khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao, nước chảy xiết, những khu vực cắm biển cảnh báo lũ.

* Từ 9 giờ ngày 30-7, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) đã vận hành xả nước hồ chứa thủy điện Bản Vẽ với lưu lượng 600 m3/giây, bao gồm phát qua hai tổ máy (khoảng 320 m3/giây) và qua cửa van đập tràn để bảo đảm mức nước tại hồ là 192,5 m và dung tích phòng lũ khoảng 300 triệu m3. Trước đó, thông báo lịch vận hành thủy điện Bản Vẽ đã được gửi tới các huyện Tương Dương, Anh Sơn, Con Cuông, Hưng Nguyên, TP Vinh để bảo đảm an toàn cho người và tài sản vùng hạ du.

* Tỉnh Bình Ðịnh có bờ biển dài 134 km, trong đó đã xuất hiện 11 điểm bờ biển và đê kè bị sạt lở với tổng chiều dài gần 8 km; trong đó bờ biển bị sạt lở là 6.600 m và 1.192 m bờ kè bị hư hỏng, ảnh hưởng đến gần 5.000 hộ dân. Ngoài ra, hiện tượng bồi lấp cửa biển nghiêm trọng, như cửa biển Tam Quan, thuộc huyện Hoài Nhơn là nơi neo đậu, tránh trú bão của 1.400 tàu cá của ngư dân bị bồi lấp từ lâu khiến tàu thuyền ra vào bị mắc cạn, va đập.

Theo Nhandan