Thứ sáu,  20/09/2024
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động:

Không chỉ trong tháng hành động

An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là vấn đề được các cấp, ngành, các doanh nghiệp luôn quan tâm và đặt lên hàng đầu. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh các hoạt động trong tháng hành động ATVSLĐ, các đơn vị còn tích cực thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả chủ sử dụng lao động và người lao động (NLĐ).


Công nhân Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng và kinh doanh tổng hợp – VVMI
tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy tại đơn vị

Từ năm 2017 đến tháng 8/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 16 người bị nạn, trong đó có 10 người chết. Cùng với đó, tình trạng TNLĐ của NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra nhiều. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 78 vụ TNLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động làm 79 người bị nạn, trong đó có 16 người chết  và 20 người bị thương nặng.

Để hạn chế các TNLĐ xảy ra, từ năm 2017, Chính phủ đã chọn tháng 5 hằng năm là tháng hành động ATVSLĐ thay vì tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ – phòng chống cháy nổ như trước đây. Năm 2018, tháng hành động đã được phát động với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp”.

Tại Lạng Sơn, năm nay không tổ chức lễ phát động cấp tỉnh, nhưng có 103 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức lễ phát động. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể: ngành chức năng đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức được 753 lớp tập huấn, huấn luyện cho 4.472 người; đăng tải 304 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về ATVSLĐ trên báo, đài phát thanh truyền hình, loa truyền thanh công cộng và bản tin nội bộ; phát hành 8.283 ấn phẩm thông tin cho các doanh nghiệp, NLĐ; một số doanh nghiệp, cơ sở lao động đã tổ chức thi tìm hiểu pháp luật và phát động phong trào thi đua về ATVSLĐ.

Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động trong tháng hành động, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xác định đảm bảo ATVSLĐ là việc làm thường xuyên, liên tục gắn với an toàn và phát triển bền vững của các đơn vị. Ông Vy Văn Thành, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và kinh doanh tổng hợp – VVMI (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) cho biết: Là doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác đá, một lĩnh vực có nguy cơ dễ xảy ra TNLĐ nên ban lãnh đạo từ tổng công ty tới công ty chúng tôi luôn ý thức và quan tâm đầu tư cho công tác ATVSLĐ. Trung bình hằng năm công ty dành khoảng 600 – 700 triệu đồng cho công tác này.

Thực hiện kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ, ngành chức năng đã hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục các nguy cơ xảy ra tai nạn, rủi ro trong quá trình lao động. Kết quả, các doanh nghiệp, cơ sở tự kiểm tra 1.075 cuộc và phát hiện 14 nguy cơ, rủi ro và bổ sung, hoàn thiện 153 quy trình, nội quy làm việc an toàn. Ông Nguyễn Trung Tâm, Trưởng phòng Trị sự – Tổng hợp, Viễn thông Lạng Sơn cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị tăng cường các hoạt động tự kiểm tra tại các trung tâm viễn thông để phát hiện sớm nguy cơ mất an toàn và có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Đồng thời tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho 180 NLĐ; khám sức khỏe định kỳ cho 201 NLĐ. Trong vài năm trở lại đây, đơn vị không để xảy ra TNLĐ cũng như cháy nổ.

Bà Hoàng Thị Lê, Phó Trưởng phòng Lao động việc làm – BHXH, Sở LĐTB&XH cho biết: Đảm bảo ATVSLĐ không chỉ hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho doanh nghiệp mà còn góp phần tạo sự ổn định, phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời là tiêu chuẩn để doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh hơn nữa ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, hạn chế TNLĐ, cháy nổ xảy ra.

 THANH HUYỀN