Thứ năm,  19/09/2024
Hội nghị toàn quốc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính:

“Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”

LSO-Sáng nay (11/9), Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Lạng Sơn, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành tỉnh dự hội nghị.


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Trong báo cáo đề dẫn trình bày tại hội nghị, để thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; từ nay đến năm 2020, Chính phủ đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai gồm: hoàn thiện thể chế; kiện toàn tổ chức và bố trí trụ sở, trang thiết bị cho bộ phận một cửa các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Kế hoạch thực hiện Nghị định trong năm 2018 và hàng năm.

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC và đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP. Đối với tỉnh Lạng Sơn, hiện đã công bố công khai được 1.776 TTHC cấp tỉnh, huyện, xã, trong đó có 1.224 TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC, phấn đấu thành lập và đưa Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động từ đầu năm 2019…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp cần nhận thức đầy đủ chủ trương, quan điểm “Chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; bảo đảm tính hiệu quả của việc giải quyết TTHC”. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP; chấn chỉnh công tác giải quyết TTHC; hạn chế tối đa việc người dân đi lại nhiều lần khi thực hiện TTHC; tăng tính công khai, minh bạch TTHC; xin lỗi người dân khi giải quyết TTHC chậm hẹn; xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết TTHC đồng thời đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến giải quyết TTHC. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai vận hành cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; tăng cường rà soát TTHC nhất là với các TTHC liên thông. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia trong quý IV/2018 để khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/11/2019; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thanh toán tập trung quốc gia kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

MINH ĐỨC