Thứ năm,  19/09/2024

Mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong khu vực phi chính thức


Ðại diện Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đề xuất các giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tại hội thảo.

 

Mặc dù được xem là một trong những chính sách ưu việt, nhưng thực tế sau hơn mười năm triển khai, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện vẫn chưa thật sự thu hút người dân tham gia, số lượng người tham gia thấp, chưa đúng với tiềm năng…

Còn “khoảng trống” trong chính sách…

Tại hội thảo “Giải pháp mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH đối với khu vực phi chính thức” do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức ngày 13-12 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 28 – NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, khóa XII là đến năm 2020 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nhưng trên thực tế, trong hơn 10 năm triển khai thực hiện, số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp. Ðến thời điểm này mới chỉ có hơn 240 nghìn người và chủ yếu là những người đã đóng BHXH bắt buộc, tiếp tục tham gia đủ năm để được hưởng lương hưu. Vì vậy, việc đạt mục tiêu do Nghị quyết số 28 đề ra là rất khó khăn.

Nhận định về chính sách còn để khoảng trống những đối tượng tiềm năng, theo Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Phạm Trường Giang cho rằng, hiện nay, Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc. Hiện, theo Luật BHXH, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, thực tế nhóm đối tượng này có khoảng hơn năm triệu chủ hộ kinh doanh cá thể, trong đó có khoảng 3,7 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Tính đến hết tháng 9-2016, có khoảng hơn 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký và thực tế cơ quan BHXH đã tổ chức thu và giải quyết hưởng các chế độ BHXH. Nếu Luật BHXH quy định nhóm đối tượng này tham gia BHXH sẽ phát triển thêm được hơn năm triệu người vào hệ thống an sinh xã hội.

Ðồng thời, Vụ trưởng Phạm Trường Giang cũng cho rằng, trong những nguyên nhân khiến số lượng người tham gia BHXH tăng chậm, đó là do trong suốt một thời gian dài, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo Luật BHXH, kể từ năm 2018 mới có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe. Như, quy định phải tham gia 20 năm mới được hưởng lương hưu cũng khiến người dân chưa mặn mà tham gia; chưa có hình thức giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp cho các địa phương; dịch vụ và tiếp cận dịch vụ BHXH cho người dân chưa thuận lợi; thiếu sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ BHXH…

Ðồng bộ các giải pháp

Tại hội thảo, đại diện nhiều bộ, ngành, các tổ chức xã hội cũng cho rằng, để chính sách BHXH tự nguyện thật sự đi vào cuộc sống, đạt mục tiêu đề ra cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các giải pháp và sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH tạo sự hấp dẫn đối với người dân. Ðể mở rộng diện bao phủ BHXH, nhất là đối với lao động khu vực phi chính thức, các đại biểu cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến cả hai mục tiêu: Phát triển thêm đối tượng mới; và duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống.

Về giải pháp phát triển các đối tượng tham gia mới, theo Vụ trưởng BHXH, cần rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt…; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện, có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp…; thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

Từ góc độ của cơ quan thực hiện chính sách, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Ðiều Bá Ðược cũng cho rằng, để BHXH tự nguyện tới với người dân thì cần sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW; quy định chặt chẽ điều kiện hưởng BHXH một lần; đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương cần vào cuộc tích cực, giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện định kỳ đánh giá, báo cáo Chính phủ…

Trước thực tế đặt ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần tập trung vào bốn giải pháp phát triển BHXH tự nguyện. Trong đó, Nhà nước cần nâng mức hỗ trợ để người dân tiếp cận với chính sách BHXH tự nguyện. Mặt khác, cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong phát triển BHXH tự nguyện; các bộ, ngành liên quan phối hợp đề xuất điều chỉnh chính sách BHXH tự nguyện theo hướng tăng tính hấp dẫn, tạo sự tin tưởng để người dân tích cực tham gia; đổi mới phương pháp truyền thông. Ngành BHXH cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản lý theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.

Theo Nhandan