Thứ sáu,  05/07/2024

Chuyện về cộng tác viên dân số

(LSO) – Có tận mắt chứng kiến công việc của các cộng tác viên (CTV) dân số mới cảm nhận hết nhiệt huyết bên trong những con người ấy, họ làm việc với tất cả sự nhiệt tình, chu đáo để đưa chính sách dân số đến với từng gia đình, từng thôn, bản xa xôi nhất.

Có dịp theo anh Dương Trùng Sỉnh, CTV dân số thôn Khau Vàng, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn, vất vả của anh. Chỉ cách trung tâm xã Mẫu Sơn 4 km, nhưng phải đi bộ mất 4 giờ mới đến được thôn Khau Vàng, gần 30 hộ dân trong thôn đều là dân tộc Dao, một số phong tục, tập quán vẫn còn lạc hậu, tâm lý sinh con đàn, cháu đống vẫn tồn tại trong quan niệm của bà con nơi đây. Anh Dương Trùng Sỉnh chia sẻ: “Tôi làm CTV từ năm 2006, công việc vô cùng vất vả khi phải đến từng nhà vận động các hộ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chủ yếu vào ban đêm vì ban ngày mọi người đều đi làm ruộng, làm nương. Tôi phải đến từng nhà giải thích cho bà con về sự vất vả, khó khăn khi gia đình sinh đông con, việc kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống là không nên vì sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai của những đứa trẻ được sinh ra. Nhờ tích cực, kiên trì, vận động nên nhiều năm qua trên địa bàn thôn không còn tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, không có trường hợp sinh con thứ 3”.

Cán bộ Chi Cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tuyên truyền chính sách dân số cho nhân dân xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc

Anh Sỉnh bộc bạch: “Nhiều người vẫn nghĩ công việc của CTV dân số chúng tôi đơn giản lắm, mỗi tháng chỉ cần bỏ ra vài ngày công đi tuyên truyền, vận động, cuối tháng nhận phụ cấp là xong. Thế nhưng, thực chất công việc này có làm thì mới biết. Tuy công việc tháng nào cũng giống nhau, nhưng để bảo đảm duy trì được hoạt động dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) trên địa bàn đòi hỏi chúng tôi phải mất nhiều công sức. Hơn nữa, với tôi đây chỉ là việc làm thêm, tham gia là để được hoạt động xã hội chứ việc chính vẫn là chăm lo cuộc sống gia đình…”.

Thực tế, phụ cấp của các CTV dân số không nhiều, chỉ từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/tháng. Vì thế, CTV dân số chủ yếu làm việc bằng cái “tâm” và lòng nhiệt huyết. Tuyên truyền, vận động phụ nữ tránh thai, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch không đơn giản, càng khó khăn hơn khi CTV là nam giới, nhưng những trở ngại ấy đều không làm CTV Hoàng Văn Miền, thôn Hà Quảng, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan chùn bước. Nhờ sự kiên trì, hết lòng với công việc mà hơn 20 năm theo “nghề”, ông Miền luôn hoàn thành nhiệm vụ, địa bàn nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, số người thực hiện các biện pháp tránh thai ngày càng cao, góp phần vào thành tích chung của địa phương trong công tác dân số.

Ông Hoàng Văn Miền chia sẻ: “Khi mới làm CTV dân số, tôi rất ngại khi phải nhận thuốc tránh thai, bao cao su rồi vận động chị em thực hiện biện pháp tránh thai an toàn, phải nhờ vợ hỗ trợ, giúp đỡ tuyên truyền. Tôi xem các đối tượng cần tuyên truyền là em, cháu trong gia đình nên cách chia sẻ cũng thoải mái hơn, nhờ vậy, hiệu quả tuyên truyền được cải thiện rất nhiều”.

Cũng như ông Miền, anh Sỉnh, chị Lương Thị Hậu, CTV dân số thôn Kép 3, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại trong quá trình công tác của mình. Chị Hậu cho biết:  “Năm 2007, tôi làm CTV dân số, thời gian đầu gặp không ít khó khăn bởi người dân vẫn mang nặng tư tưởng muốn sinh đông con, có con trai để nối dõi tông đường… Không nản lòng trước những thách thức, tôi đã trực tiếp đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cặp vợ chồng sinh con một bề để trò chuyện kết hợp với tư vấn, vận động mỗi gia đình chỉ nên có 1 hoặc 2 con, dành thời gian cho việc chăm sóc, nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế gia đình. Những trường hợp khó, tôi cùng các đoàn thể tại cơ sở đến vận động… nên 10 năm qua, trên địa bàn thôn không có người sinh con thứ 3”.

Toàn tỉnh hiện có 2.700 CTV dân số đang thực hiện những công việc thầm lặng của mình tại khắp các thôn bản. Họ chính là lực lượng  đầu mối quan trọng của ngành y tế trong việc đưa chính sách DS – KHHGĐ đến với từng người dân. Tuy nhiên, để duy trì  hiệu quả hoạt động mà mạng lưới này đem lại, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích CTV tham gia hoạt động lâu dài. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư hỗ trợ về chuyên môn để giúp các CTV có tâm huyết, trách nhiệm ngày càng phát huy được vai trò của mình.

TRIỆU THÀNH