Thứ hai,  08/07/2024

362 doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cả nước hiện có 362 doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng đạt mức kỷ lục, với gần 143 nghìn người trong năm qua.

362 doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Ngày 20-2, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy việc làm và quản lý lao động.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2018, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mốc hơn 142 nghìn người. Trong số này có gần 50 nghìn lao động nữ. Thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam nhất là Nhật Bản, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ả-rập Xê-út… Người lao động Việt Nam được đánh giá cao bởi sự tiếp cận nhanh với công việc và môi trường lao động của nước sở tại. Một số ngành nghề mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt như điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, may mặc, xây dựng, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức văn hóa, xã hội cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo quy trình chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Hiện nay, tổng số doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 362 đơn vị.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, số lượng lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng. Hiện nay, cả nước có hơn 80 nghìn người lao động nước ngoài. Đa số lao động này được cấp giấy phép lao động, chiếm hơn 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động. Số còn lại không thuộc diện cấp giấy phép, hoặc đang làm thủ tục xin cấp.

Năm 2019, sẽ tiếp tục mở rộng thị trường lao động, chủ động lựa chọn thị trường. Đặc biệt, sẽ thống nhất nguyên tắc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có tổ chức. Cùng với đó, sẽ nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đưa đi làm việc tại nước ngoài, bảo đảm thu nhập, tính cạnh tranh. Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động với các nước.

Theo Nhandan