Thứ sáu,  20/09/2024

Tinh giản biên chế: Khó khăn và thách thức

(LSO) – Những năm qua, Lạng Sơn đã nỗ lực triển khai thực hiện chủ trương, chính sách tinh giản biên chế (TGBC) theo Nghị định 108, ngày 20/11/2014 của Chính phủ. Trên thực tế kết quả thực hiện chưa đạt được như kỳ vọng và công tác này đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức đặt ra.

Thực hiện Đề án TGBC, huyện Lộc Bình phấn đấu hết kỳ 1/2019 tinh giản được 194 người. Tuy nhiên từ đầu năm 2015 đến nay, toàn huyện mới tinh giản được 152 người, đạt trên 78%. Từ năm 2015 đến nay, chưa có kỳ TGBC nào huyện đạt chỉ tiêu phấn đấu. Đơn cử năm 2015 mới tỉnh giản được 39/44 người, năm 2016 tinh giản được 30/36 người, 2017 tinh giản được 23/42 người… Ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: TGBC không phải là sự cắt giảm một cách cơ học đối với cán bộ ở một vị trí, bộ phận chuyên môn nào đó nên khi xét đối tượng TGBC phải xem xét rất kỹ về cơ cấu cán bộ, công chức sao cho hợp lý, trình độ, độ tuổi, dân tộc, giới tính. Vì thế mà nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc huyện không đạt chỉ tiêu TGBC là do thiếu đối tượng tinh giản.

Cán bộ Phòng Nội vụ huyện Lộc Bình trao đổi nghiệp vụ thực hiện chính sách tinh giản biên chế trên địa bàn huyện

Đây chỉ là một trong số nhiều câu chuyện khó đạt chỉ tiêu TGBC tại các tổ chức, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Sở Nội vụ, từ năm 2015 đến hết kỳ 1/2019, toàn tỉnh được Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thẩm tra đối tượng và dự toán kinh phí thực hiện TGBC đối với 1.478 người. Trong đó: nghỉ hưu trước tuổi chiếm 84,7% với 1.252 người; thôi việc ngay chiếm 15,2% với 224 người; đi học để thôi việc chiếm 0,14% với 2 người. Với con số TGBC trên đây, đến nay, toàn tỉnh mới đạt tỷ lệ giảm 6,7% công chức biên chế và giảm 4,7% biên chế làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Như vậy, để đạt được mục tiêu đến năm 2021 toàn tỉnh tinh giản tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015 là khó thực hiện.

Bà Đường Ngọc Xuyên, Trưởng Phòng Tổ chức biên chế và Phi Chính phủ, Sở Nội vụ cho biết: Nguyên nhân khó đạt được chỉ tiêu TGBC đề ra là do không có đối tượng tinh giản hoặc số lượng đối tượng tinh giản không đủ theo như đề án TGBC đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Cán bộ Văn phòng HĐND&UBND huyện Lộc Bình trong giờ làm việc

Bên cạnh khó khăn trên, nếu phấn đấu đến hết năm 2021 thực hiện cắt giảm tối thiểu 10% biên chế so với biên chế giao năm 2015 sẽ dẫn đến việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị không đảm bảo chỉ tiêu biên chế để thực hiện nhiệm vụ do số lượng biên chế bị cắt giảm nhiều. Đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp được bố trí người làm việc theo định mức như: số giáo viên/lớp đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, số bác sỹ/giường bệnh đối với sự nghiệp y tế.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nếu cứ TGBC theo đúng chỉ tiêu tối thiểu 10% và theo cách “ra 2 vào 1” như 4 năm qua thì rất khó cho sự nghiệp giáo dục, bởi số học sinh ngày càng tăng mà giáo viên giảm thì không đảm bảo đủ số lượng giáo viên bố trí giảng dạy. Thực tế đã cho thấy, hiện tại toàn ngành giáo dục được giao 18.251 biên chế, còn thiếu 844 người so với định mức.

Để giải quyết những khó khăn trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét lại việc giao tỷ lệ đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Trước mắt các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang phấn đấu nỗ lực thực hiện tốt chính sách này nhằm đạt kết quả cao nhất so với mục tiêu đề ra.

Để hoàn thành mục tiêu TGBC vào năm 2021, thời gian tới các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục có bước đi trong thực hiện TGBC một cách phù hợp; tham mưu sắp xếp hợp lý tổ chức bộ máy tạo thuận lợi cho TGBC; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp để xác định đúng đối tượng cần tinh giản. Cùng đó là tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ đảm bảo khách quan, trung thực, tránh nể nang, cào bằng, lấy đó làm cơ sở xác định đối tượng cần tinh giản một cách chính xác. Người đứng đầu các cơ quan đơn vị cũng cần phải thực sự khách quan, công tâm trong đánh giá cán bộ và tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong TGBC.

MINH ĐỨC