Thứ sáu,  20/09/2024

Thiên tai làm thiệt hại hơn 170 tỷ đồng

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, thiên tai làm tám người chết và mất tích; 21 người bị thương; 280 nhà dân bị sập đổ, 12.188 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 106 điểm trường bị thiệt hại; 21.304 ha lúa và 2.236 ha hoa màu bị ngập, hư hại; hơn 2.800 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 4 km đường giao thông bị ngập và gần 4.893 m³ đất đá, bê-tông sạt lở; 80 tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng; ước thiệt hại khoảng 170,5 tỷ đồng.

Thiên tai làm thiệt hại hơn 170 tỷ đồng

Một ngôi nhà của người dân xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) bị tốc mái do mưa dông kèm gió giật mạnh. 

 

* Những ngày qua, mưa đá, dông, lốc xảy ra tại nhiều địa phương gây thiệt hại tài sản của nhân dân. Ngày 24-4, tại các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bát Xát, Sa Pa (Lào Cai) mưa kèm dông đã làm 53 nhà dân bị thiệt hại nặng, trong đó 11 nhà bị thiệt hại hơn 70%. Ngoài ra có 92 nhà dân và sáu nhà văn hóa thôn bị tốc mái. Cũng trong ngày 24-4, tại Tuyên Quang mưa dông kèm gió giật mạnh làm 141 nhà dân bị tốc mái; hơn 40 ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị hư hại. Đặc biệt, tại huyện Chiêm Hóa, dông, lốc làm mười phòng học bị tốc mái khiến bốn học sinh bị thương. Cùng ngày, tại tỉnh Yên Bái có mưa kèm dông, lốc ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình, làm 260 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái; trong đó có bảy nhà bị sập hoàn toàn, hơn 50 ha ngô bị đổ gãy, ước tính thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng.Tại huyện Yên Thủy (Hòa Bình), dông, lốc làm 30 nhà dân bị tốc mái và hư hỏng công trình phụ; 628,4 ha hoa màu bị thiệt hại, 88 ha cây công nghiệp bị hư hỏng; 104 ha cây ăn quả bị đổ gãy; 650 con gia cầm bị chết. Lốc, mưa đá cũng xảy ra ở các huyện Lang Chánh, Mường Lát, Vĩnh Lộc, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định (Thanh Hóa) làm hư hỏng 592 nhà dân, thiệt hại 871 ha lúa, 523 ha hoa màu… Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả; trong đó, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) hỗ trợ 25 triệu đồng cho mỗi gia đình trên địa bàn huyện có nhà bị sập hoàn toàn.

* Hiện nay, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi thông tin để cảnh báo về nắng nóng, nguy cơ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá nhằm chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

* Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, qua thống kê sơ bộ năm ngày vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra 45 vụ cháy rừng. Những diện tích bị thiệt hại chủ yếu là rừng non tái sinh, rừng phục hồi sau nương rẫy và thảm thực vật, thực bì. Theo Cục Kiểm lâm, do nắng nóng kéo dài, nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh nên cả nước hiện có 20 tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Cục Kiểm lâm đề nghị chủ rừng thuộc các địa phương có cảnh báo nguy cơ cháy rừng thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

* Tại tỉnh Sơn La, từ giữa tháng 4 đến nay xảy ra bảy vụ cháy rừng làm thiệt hại gần 250 ha. Trước nguy cơ cháy rừng cao, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng; sẵn sàng huy động lực lượng chữa cháy khi có tình huống xảy ra.

* Tỉnh Tuyên Quang hiện có 28 trong số 137 xã có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao với diện tích hơn 154 nghìn ha. UBND tỉnh yêu cầu đơn vị chức năng và địa phương tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ; thông báo các chủ rừng tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng; chủ động phòng, chống cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”.

* Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 200 nghìn ha đất rừng sản xuất, trong đó chủ yếu là rừng trồng gỗ keo lá tràm. Đến nay, tại các huyện Đại Lộc, Núi Thành, Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên…, nhiều diện tích rừng được dự báo có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm.

* Tại tỉnh Đồng Tháp, hiện có sáu khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm. Tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng bám sát địa bàn, tổ chức trực tại các trạm chốt, đài quan sát để phát hiện cháy sớm; triển khai chữa cháy kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để xảy ra cháy lan trên diện rộng.

* Ngày 23-4, tại xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) xảy ra vụ cháy rừng tràm phòng hộ. Đến 3 giờ sáng 24-4, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn ở lại hiện trường khoanh vùng, phun nước, ngăn chặn lửa bùng phát trở lại.

* 3 giờ sáng 24-4, tại phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) xảy ra sạt lở bờ kè sông Ô Môn với chiều dài 60 m, ăn sâu vào 5 m, ảnh hưởng đến 11 nhà dân. Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố đang phối hợp các cơ quan chức năng khắc phục hậu quả.

Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây với đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn nên hôm nay (25-4), nắng nóng tiếp tục duy trì ở Bắc Bộ, khu vực Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 38°C, riêng khu vực tây bắc Bắc Bộ, vùng núi bắc và Trung Trung Bộ nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 38 đến 40°C, có nơi hơn 40°C. Dự báo, nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ giảm dần từ ngày 26-4. Riêng các tỉnh Trung Bộ nắng nóng khả năng kéo dài đến ngày 27 và 28-4.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, do rãnh áp thấp nối với áp thấp nóng phía tây tiếp tục bị nén về phía nam; trên cao áp cao cận nhiệt đới hoạt động mạnh, từ hôm nay đến khoảng 28 và 29-4 ở khu vực Nam Bộ nắng nóng tiếp tục diễn ra trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 38°C, có nơi hơn 38°C.

Theo Nhandan