Thứ sáu,  20/09/2024

Xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng

(LSO) – Để hạn chế tác hại của bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng, những năm qua, các cấp, ngành chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV theo đúng quy trình, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Lạng Sơn có lợi thế phát triển nông nghiệp với diện tích gieo trồng bình quân hằng năm trên 96 nghìn ha. Để nâng cao năng suất và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất là yếu tố tất yếu, tập trung chủ yếu vào khâu diệt cỏ, phòng trừ sâu bệnh hại. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trung bình mỗi năm, toàn tỉnh sử dụng khoảng 150 tấn thuốc BVTV với số lượng vỏ, bao bì ước khoảng 10 tấn. Vì thế, việc xây dựng bể chứa vỏ thuốc BVTV là cách làm hiệu quả để khắc phục tình trạng vứt rác bừa bãi, xử lý và thu gom chất thải nguy hại theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Cán bộ xã Đồng Bục (Lộc Bình) kiểm tra bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật

Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Tài Nguyên – Môi trường khuyến khích và hỗ trợ các huyện xây dựng được hơn 500 bể chứa vỏ thuốc BVTV tại các xã nông thôn mới theo đúng quy định với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, các xã đã căn cứ vào đặc điểm các loại cây trồng và mức độ sử dụng thuốc BVTV để xây dựng bể chứa vỏ thuốc BVTV trong vùng đất canh tác. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách sử dụng bể và thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 37 lớp tập huấn cho hơn 4.300 người tham gia.

Đồng Bục là xã thuần nông của huyện Lộc Bình với diện tích đất nông nghiệp trên 374 ha. Bình quân mỗi năm, người dân sử dụng và vứt bỏ ra môi trường khoảng 5 kg vỏ thuốc BVTV. Ông Hứa Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Bục cho biết: Trước đây, khi bắt đầu mùa vụ, xã phải huy động người dân ở các khu dân cư tập trung dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng rất tốn công và thời gian. Bắt đầu từ năm 2016, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đã tiếp nhận 29 bể chứa vỏ thuốc BVTV sau sử dụng. Xã đã khảo sát và đặt bể trên các tuyến đường giao thông nội đồng, không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, cảnh quan nông thôn. Sau xây dựng bể, xã đã giao cho đoàn thanh niên và hội phụ nữ phụ trách tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng, thu gom, phân loại vỏ thuốc BVTV đúng theo quy định.

Sau khi đưa vào sử dụng, người dân bước đầu nhận thấy đồng ruộng sạch sẽ, môi trường được cải thiện, nguồn nước phục vụ sản xuất không bị ô nhiễm, thuận tiện cho việc chăm sóc cây trồng. Chị Hoàng Thị Yến, xã Vân Mộng (Văn Quan) cho biết: Nhà tôi trồng 3 sào rau. Vào thời điểm giao mùa khó tránh được sâu bệnh nên tôi thường dùng thuốc trừ sâu vi sinh, sử dụng đúng cách. Sau khi dùng xong, tôi để các vỏ thuốc vào đúng nơi quy định, tránh để ảnh hưởng đến đất trồng và nguồn nước.

Tuy nhiên, qua kiểm tra tình hình thực tế, việc xây dựng và sử dụng bể chứa vỏ thuốc BVTV còn nhiều hạn chế bởi một số xã xây dựng bể chứa chưa đúng quy cách, không đúng kích thước, tận dụng những cống bi có kích thước nhỏ; số lượng bể chứa quá ít so với yêu cầu thực tế; vị trí bể đặt chưa hợp lý; một bộ phận người dân còn vứt vỏ thuốc BVTV bừa bãi. Cùng với đó, công tác tiêu hủy còn gặp nhiều khó khăn do phải vận chuyển đến tỉnh khác để tiêu hủy với giá dao động từ 40 đến 50 nghìn đồng/kg.

Ông Chu Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cho biết: Nắm bắt được thực tế này, chi cục đã tham mưu với Sở Tài nguyên – Môi trường chỉ đạo các huyện sửa chữa các bể chưa đúng quy cách để đảm bảo độ kiên cố, an toàn và chất lượng; tiếp tục quy hoạch, bố trí nguồn kinh phí xây dựng bể chứa; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng và thu gom đúng nơi quy định. Đồng thời tham mưu cho Sở NN&PTNT bố trí kinh phí khoảng 800 đến 900 triệu đồng để vận chuyển và tiêu hủy 20 tấn vỏ thuốc BVTV theo đúng quy trình.

Thiết nghĩ, để công tác thu gom, vận chuyển và xử lý vỏ thuốc BVTV sau sử dụng đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố cần vào cuộc tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; phát động phong trào toàn dân tham gia thu gom vỏ thuốc BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và xây dựng môi trường nông thôn mới sạch, đẹp.

NGỌC HIẾU