Thứ sáu,  20/09/2024

Báo chí đổi mới để thích ứng nhu cầu công chúng

(LSO) – Việc cạnh tranh thông tin hiện nay đã, đang diễn ra không chỉ là sự chạy đua giữa các tòa soạn, các ấn phẩm mà còn giữa báo chí với… mạng xã hội. Mặt khác, trong cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng đã có sự thay đổi rõ nét, từ cách đọc, nghe, xem cho đến phương tiện và cách phản hồi thông tin … Do đó, hơn bao giờ hết, báo chí cần đổi mới, điều chỉnh để  thích ứng, phù hợp hơn với thực tiễn đặt ra.

Những năm trước đây, khi công chúng muốn nắm bắt thông tin thời sự của địa phương, đất nước, khu vực và quốc tế thường thông qua các ấn phẩm báo in hoặc qua các chương trình của đài phát thanh và truyền hình (PTTH) trung ương và địa phương với một số kênh nhất định, thì nay công chúng có nhiều lựa chọn hơn như qua các trang web báo điện tử, trang thông tin điện tử hoặc qua rất nhiều kênh của các đài PTTH… Và, sẽ là thiếu nếu không nhắc đến hình thức nắm bắt thông tin qua các mạng xã hội như: facebook, zalo.

Phóng viên Báo Lạng Sơn tác nghiệp tại cơ sở

Theo đó, thay vì ngồi trước màn hình tivi, mở các tờ báo in ra đọc hoặc ngồi trước máy vi tính để lướt các trang web, nhất là công chúng trẻ, họ đã chuyển sang xem nhanh trên điện thoại thông minh. Thay vì tìm kiếm địa chỉ các trang báo điện tử, nhiều người chọn truy cập qua đường link được lan truyền, chia sẻ qua mạng xã hội. Để phản hồi, thay vì gửi thư tay, công chúng bình luận, phản hồi bằng hình thức comment với những thao tác hết sức đơn giản, tiện dụng.

Chỉ điểm qua một số đặc điểm thực tế trên sẽ thấy nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là, thông tin lan truyền qua mạng xã hội nhanh, nhiều thông tin cập nhật và có những thông tin rất nhỏ không ai để ý nhưng thông qua mạng xã hội lan truyền lại trở thành vấn đề “nóng” của dư luận… Song, chúng ta cũng đã thấy mặt trái là nhiều khi thông tin thiếu chuẩn xác. Bởi, do người lan truyền thông tin lấy từ các nguồn không chính thống, không phải là tin gốc cùng với những bình luận mang tính chủ quan, thiếu thông tin kiểm chứng.

Trên thực tế, đã có trường hợp thông tin lan truyền là thông tin chắp ghép và làm mới lại bằng cách đặt tít thật “độc”, thật “lạ”, giật gân nhằm hút người đọc. Nhưng khi đọc kỹ mới biết thông tin đã rất cũ, có tin đã diễn ra một vài tháng, vài năm. Người tiếp nhận không để ý kỹ rất dễ tin  đó là sự kiện, vụ việc mới xảy ra… Nếu lại vô tình truyền tiếp thông tin đó cho bạn bè dễ dẫn đến hiện tượng nhiễu loạn thông tin, nguy hại vô cùng. Người nào chưa quen với hiện tượng trên sẽ không biết đâu là tin thật, tin gốc, tin giả, tin “chế tác”. Đó là chưa kể kèm theo hàng loạt ý kiến bình luận, bày tỏ cảm xúc… và từ đó đã tạo ra dư luận không tốt trong xã hội.

Khách quan mà nói, dù các nhà báo, phóng viên có nhanh đến mấy cũng không thể nhanh bằng “cư dân mạng”. Vì rằng, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, có kết nối internet, khi sự kiện xảy ra sẽ được chụp ảnh, quay phim ghi lại và chỉ cần một thao tác đăng tải, sẽ nhanh chóng lan truyền đến rất nhiều người… Do vậy, yêu cầu đối với người làm báo hiện nay là cần có khả năng phân tích, lý giải nguyên nhân sự kiện, hiện tượng, vấn đề. Lúc này, dù thông tin có phát hành sau vẫn sẽ được công chúng đón nhận. Mặt khác, qua mạng xã hội, có thể giúp người làm báo nhanh chóng nắm bắt thông tin và kịp thời có mặt để tác nghiệp; phản ánh những vấn đề mà dư luận quan tâm, đang đặt câu hỏi, cần lời giải đáp.

Ngày hôm nay, trong nhịp sống hối hả, công chúng có rất ít thời gian để đọc, nghe, xem những tác phẩm viết dài, toàn con chữ, thời lượng lớn, chất lượng truyền tải yếu… mà lại ít thông tin. Chỉ đơn cử, khi xem một tác phẩm qua hình thức truyền hình internet, nhưng nếu hình ảnh liên tục bị dừng, bị vấp, chắc chắn người xem sẽ chuyển sang thông tin khác hoặc trang web khác… Cho nên, các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kịp thời, nhất là các báo điện tử cần quan tâm nâng cấp, xây dựng phần mềm ứng dụng phù hợp, tiện ích để thích ứng nhu cầu của công chúng.

Được biết, các cơ quan báo chí của Lạng Sơn đã, đang có những đổi mới tích cực. Đơn cử, Báo Lạng Sơn ngoài báo in 5 kỳ/tuần, báo điện tử luôn được quan tâm nâng cấp, có phiên bản ứng dụng cho điện thoại di động. Hay Đài PTTH tỉnh ngoài các chương trình còn có trang web rất tiện ích, cập nhật…

Khi nhận diện rõ hơn những thay đổi trong nhu cầu của công chúng từ hình thức, nội dung đến phương tiện tiếp nhận sẽ giúp cho các cơ quan báo chí, quản lý báo chí có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Được như vậy, báo chí mới thực hiện tốt vai trò trong môi trường cạnh tranh thông tin như hiện nay.

HOÀNG HÀ