Thứ sáu,  20/09/2024

Quyết tâm đưa Bệnh viện Đa khoa 700 giường vào hoạt động trong năm 2019

Ông Triệu Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Y tế

(LSO) – Bệnh viện Đa khoa 700 giường được khởi công vào ngày 26/12/2010 tại thôn Phai Trần, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Sau nhiều năm chậm tiến độ, hiện nay công trình đã cơ bản hoàn thành. Theo kế hoạch, Bệnh viện Đa khoa cơ sở mới đi vào hoạt động trong quý III năm 2019. Phóng viên Báo Lạng Sơn có cuộc phỏng vấn ông Triệu Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.

PV: Thưa ông, vướng mắc, bất cập nào dẫn đến chậm tiến độ công trình và đến thời điểm hiện tại việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa 700 giường đã được triển khai đến đâu?

Ông Triệu Cao Tấn: Việc chậm tiến độ chủ yếu là do thiếu vốn. Tổng mức đầu tư ban đầu (theo Quyết định số 1764/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 11/11/2010 phê duyệt dự án công trình Bệnh viện Đa khoa 700 giường) là 1.548 tỷ 606 triệu đồng. Căn cứ vào Nghị quyết số 11/NQ – CP 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngày 11/4/2016 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 538/QĐ-UBND về việc điều chỉnh dự án đầu tư công trình Bệnh viện Đa khoa 700 giường giai đoạn I với số vốn điều chỉnh còn 999 tỷ 881 triệu đồng. Trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ: 891 tỷ 907 triệu đồng, ngân sách địa phương 107 tỷ 974 triệu đồng.  Bên cạnh đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn cộng với quá trình thực hiện thi công, các nhà thầu có giai đoạn không đáp ứng đủ nhân lực thi công dẫn tới chậm tiến độ.

Đến trung tuần tháng 6/2019, tiến độ xây dựng của Bệnh viện Đa khoa 700 giường đã đạt 95%. Hiện tại, các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại như: thang máy, nhà để xe, tường rào, cổng chào bệnh viện, máy phát điện dự phòng, hệ thống phòng cháy chữa cháy…

Bệnh viện Đa khoa 700 giường tại thôn Phai Trần, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đã hoàn thành 95%.

PV: Hiện nay có dư luận về việc vốn đầu tư công trình này điều chỉnh “đội lên gần gấp đôi”, thực hư việc này ra sao?

Ông Triệu Cao Tấn: Theo Quyết định 2431/QĐ-UBND ngày 29/11/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn I với tổng số vốn phê duyệt là 1.193 tỷ 890 triệu đồng. Như vậy số vốn đầu tư được điều chỉnh tăng 194 tỷ đồng so với Quyết định số 538/QĐ-UBND. Việc “đội vốn lên gần gấp đôi” là không có thực. Số vốn được điều chỉnh tăng thêm 194 tỷ đồng được sử dụng để bù chi phí trượt giá (nguyên vật liệu, nhân công) do dự án kéo dài, và bổ sung đầu tư thêm 16 hạng mục trước đây bị cắt giảm, gồm: xây dựng 15 thang máy, hoàn thiện 12 phòng mổ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nhà khí y tế, các khu đặt máy X quang…

Cần phải nói thêm rằng tuy đã được bổ sung vốn nhưng so với tổng mức đầu tư ban đầu (Quyết định số 1764/QĐ-UBND ngày 11/11/2010) vẫn thấp hơn 354 tỷ 716 triệu đồng. Vì thế, để hoàn thiện công trình, ngành y tế đã cố gắng huy động các nguồn lực để đầu tư máy móc, trang thiết bị đồng thời tận dụng lại các trang thiết bị đã có để hoàn thiện các phòng chuyên môn. Tuy đang thi công ở giai đoạn nước rút nhưng công trình luôn được kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật.

PV: Sau nhiều lần “lỡ hẹn”, liệu Bệnh viện Đa khoa 700 giường có đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch trong năm 2019 không?

Ông Triệu Cao Tấn: Từ đầu năm 2019 đến nay, chúng tôi đang dốc toàn lực để hoàn thiện các hạng mục công trình và thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch di chuyển, quyết tâm đưa Bệnh viện Đa khoa cơ sở mới đi vào hoạt động trong quý III năm 2019.

Khó khăn đặc thù của việc di chuyển bệnh viện là vừa phải di chuyển máy móc, trang thiết bị, con người, vừa phải thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Vì thế, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện để đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong quá trình di chuyển đến cơ sở mới. Việc di chuyển trang thiết bị máy móc, chúng tôi đã phối hợp với đội ngũ kỹ sư có trình độ cao của Bộ Y tế để khảo sát, nghiệm thu, đảm bảo máy móc, trang thiết bị được vận hành hiệu quả sau khi lắp đặt ở cơ sở mới.

Thêm vào đó, quá trình di chuyển đảm bảo hoạt động song song giữa hai bệnh viện; một bộ phận chuyển đến tiếp quản và triển khai công tác chuyên môn, tiếp nhận bệnh nhân tại bệnh viện mới, một bộ phận tiếp tục đảm bảo công tác chuyên môn tại bệnh viện cũ cho đến khi di chuyển xong. Đến thời điểm này, chúng tôi đã sẵn sàng các phương án đảm bảo công tác chuyên môn và an toàn trước, trong và sau khi di chuyển; đảm bảo không gián đoạn hay ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, cũng như phòng chống thảm họa thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MINH NGỌC – TRIỆU THÀNH