Thứ sáu,  20/09/2024

Vệ sinh toàn xã: Cách làm của Gia Cát

(LSO) – Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc là 1 trong 15 xã được hưởng lợi từ chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn của Ngân hàng Thế giới được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2017. Sau 2 năm triển khai thực hiện, xã đã  thực hiện tốt mô hình vệ sinh toàn xã, qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Chúng tôi đến gia đình anh Hoàng Văn Quả, thôn Bắc Đông 2 khi gia đình đang chuẩn bị bữa cơm chiều; trước khi dùng bữa, anh hướng dẫn con gái 4 tuổi của mình rửa tay sạch bằng xà phòng. Anh Quả cho biết: Qua tuyên truyền của Trạm Y tế xã, tôi và mọi người hiểu rõ và ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh, bắt đầu từ những hành động nhỏ như rửa tay trước khi ăn; rồi đến những việc khác như: xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; đổ rác đúng nơi quy định; bảo vệ môi trường…

Ông Lâm Văn Khánh, Trưởng Trạm y tế xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Trước đây, do quan niệm người dân vẫn coi nhà tiêu là công trình phụ nên ít coi trọng khi làm nhà ở. Theo kết quả khảo sát năm 2016, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt 67%; hầu hết người dân chưa thực hiện rửa tay bằng xà phòng; vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi…

Anh Hoàng Văn Quả, thôn Bắc Đông 2, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc hướng dẫn con gái rửa tay bằng xà phòng

Năm 2017, xã Gia Cát thực hiện mô hình “vệ sinh toàn xã”. Đây là mô hình thuộc chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn. Mô hình đặt mục tiêu cụ thể: 70 – 80% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; có điểm rửa tay bằng xà phòng hoặc các sản phẩm thay thế; có công trình cấp nước vệ sinh và rửa tay hoạt động liên tục tại các trường học và trạm y tế. Để thực hiện các mục tiêu đó, công tác truyền thông được tăng cường. Trạm Y tế xã và các đoàn thể đã phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông tại cộng đồng về chương trình mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh nông thôn và truyền thông trực tiếp qua các cuộc họp thôn về chương trình tới người dân.

Đồng thời, các hộ dân được hướng dẫn và hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Qua đó, ý thức của người dân được nâng cao, nhiều hộ đã đăng ký xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Năm 2017, toàn xã xây mới 63 nhà tiêu (hỗ trợ xây dựng 23 nhà tiêu cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách), sửa chữa 73 nhà tiêu. Tổng số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 76,94%; có 1.020 điểm rửa tay bằng xà phòng; tỷ lệ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 100%.

Ông Đặng Đức Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Cát cho biết: Việc xây dựng xã đạt vệ sinh toàn xã luôn được các cấp ban ngành, đoàn thể quan tâm. Thông qua các cuộc họp, buổi giao ban, chúng tôi quán triệt mỗi cán bộ, công chức xã phải đi đầu triển khai thực hiện và làm nhiệm vụ tuyên truyền trực tiếp đến người dân. Vì vậy, sau 2 năm triển khai mô hình, xã Gia Cát đạt tiêu chuẩn vệ sinh toàn xã.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn xã có 15 nhà tiêu hợp vệ sinh được xây mới, nâng tổng số nhà tiêu hợp vệ sinh lên 953/1152, đạt 81,2%; 100% hộ dân có điểm rửa tay bằng xà phòng; 100% nước giếng đào, giếng khoan, nước tự chảy, qua kiểm tra 100% đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

Việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp góp phần đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của nhân dân chính là biện pháp hiệu quả để xây dựng các xã đạt vệ sinh toàn xã có hiệu quả.

TRIỆU THÀNH