Thứ sáu,  20/09/2024

Mưa to, lũ quét và lốc xoáy gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương

Sáng 4-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp chỉ đạo về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3.

Lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương khắc phục sạt lở đê biển Tây, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp. Về công tác khắc phục hậu quả, Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần tập trung công tác cứu trợ và cung cấp lương thực, nước uống, điện sinh hoạt cho nhân dân các bản bị chia cắt; Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, tiếp cận hỗ trợ, cứu trợ người dân các khu vực bị chia cắt, cô lập tại Thanh Hóa; Thiết lập, duy trì thông tin liên lạc tại các địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt. Sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi. Bộ trưởng đề nghị cử hai đoàn công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Thanh Hóa và một đoàn công tác chỉ đạo xử lý đê biển tây ở Cà Mau.

* Tổng cục Thủy lợi cho biết, mức nước trong hệ thống hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ hiện ở mức 60 đến 75% dung tích, có năm hồ đang xả tràn: Núi Cốc 150 m3/giây (Thái Nguyên); Yên Lập 60 m3/giây, Ðầm Hà Ðộng 62 m3/giây, Tràng Vinh 168 m3/giây, Chúc Bài Sơn 5 m3/giây (Quảng Ninh). Các hồ khu vực Bắc Trung Bộ ở mức thấp, đạt 30 đến 50% dung tích. Có 113 hồ hư hỏng và 55 hồ đang thi công có nguy cơ mất an toàn khi có lũ.

* Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, tính đến chiều tối 4-8, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã khiến năm người chết, 13 người mất tích tại Thanh Hóa và Ðiện Biên; 47 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn (Thanh Hóa: 32 nhà, Lạng Sơn: 15 nhà); 50 ngôi nhà bị thiệt hại nặng; 187 ngôi nhà bị thiệt hại một phần.

* Tại Yên Bái, bão số 3 gây thiệt hại tám ngôi nhà ở huyện Trạm Tấu. Mưa bão còn gây sạt lở móng làm đổ bảy cột điện ở thị xã Nghĩa Lộ, sạt lở đá tại tuyến đường tỉnh lộ 174, tuy nhiên không gây ách tắc giao thông.

* Tại Hải Dương, mưa lớn làm 3.276 ha lúa bị ngập úng, 193 ha cây trồng khác. Mưa gió cũng gây ra 69 sự cố lưới điện trung áp và hạ áp. Ðơn vị điện lực các địa phương đã huy động nhân lực và phương tiện khắc phục sự cố.

* Tại Nghệ An, nhiều hồ thủy điện khẩn cấp xả nước. Hồ thủy điện Bản Ang (huyện Tương Dương) xả nước với khối lượng 200 m3/giây. Nhà máy Thủy điện Khe Bố trên địa bàn xã Tam Quang (huyện Tương Dương) xả lũ vào 17 giờ chiều 4-8 với mức 700 đến 2.500 m3/giây. Nhà máy thủy điện Châu Thắng (huyện Quỳ Châu) và một số nhà máy thủy điện khác cũng bắt đầu xả nước. Các đơn vị đã thông báo cho người dân biết kế hoạch để chủ động phòng, tránh.

* Tại huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Ðiện Biên, mưa lũ đã làm hai cháu bé tại bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng bị cuốn trôi; đã tìm được thi thể một cháu. Tại huyện Nậm Pồ, mưa lũ khiến công trình ngầm Nà Khoa bắc qua suối Nậm Pồ (xã Nà Khoa) bị cuốn trôi một phần. Giao thông từ trung tâm huyện đến các xã: Nà Khoa, Nậm Nhừ, Na Cô Sa tạm thời bị chia cắt. Ðến trưa 4-8, có thể dắt bộ xe máy qua được, ô-tô chưa thể lưu thông.

* Sáng 4-8, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục có mưa vừa và mưa to. Trong đó, tại huyện Mộc Châu, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều ngôi nhà ở tiểu khu 1, tiểu khu 3 và một số bản ở xã Ðông Sang ngập sâu trong nước. Tính đến chiều 4-8, huyện Mộc Châu đã ghi nhận một trường hợp bị chết (chưa xác định được danh tính) do ngã xuống mương.

Tại huyện Vân Hồ, mưa lớn làm một ngôi nhà tại bản Bó, xã Quang Minh đổ sập; bảy ngôi nhà bị sạt lở phải di chuyển khẩn cấp tại các xã Quang Minh, Chiềng Xuân, Tân Xuân, Mường Tè; 13 ngôi nhà bị tốc mái tại các xã Mường Men, Mường Tè. Mưa lớn làm cầu tràn Nà Tén bị nước ngập sâu, các phương tiện không đi lại được; nhiều tuyến đường sạt lở nặng như quốc lộ 6 cũ, tỉnh lộ 102… Mưa lớn làm thiệt hại về sản xuất của nhân dân, ước tính hơn hai tỷ đồng.

* Tại Bắc Cạn, mưa lũ khiến Km142+700, quốc lộ 3, đoạn qua xã Hòa Mục (huyện Chợ Mới) sạt lở ta-luy dương, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Tại huyện Na Rì và Chợ Mới có sáu nhà dân bị đất, đá từ ta-luy dương sạt lở vùi lấp. Nước ngập nhiều điểm trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, làm cô lập tạm thời hai thôn Chộc Toòng, xã Cao Kỳ và Tát Vạ, xã Yên Hân (huyện Chợ Mới). Tổng thiệt hại ước tính khoảng 2,7 tỷ đồng.

* Tại Cà Mau, chiều 3-8, gió lớn và triều cường dâng cao bất ngờ đã phá vỡ nhiều đoạn ven đê biển tây – khu vực bờ bắc cống Kênh Mới khiến chân đê bị sạt lở với chiều dài hơn 360 m. Ðây cũng là đợt triều cường lớn nhất được ghi nhận trong vòng 20 năm trở lại đây tại Cà Mau. Cơ quan chức năng đã huy động máy móc, thiết bị và nhân lực hộ đê. Triều cường làm ngập 723 căn nhà ven biển. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo giải pháp khẩn cấp hộ đê.

* Ngày 3-8, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra dông lốc kèm mưa lớn trên diện rộng, đã gây sập hoàn toàn 10 căn nhà, tốc mái 143 căn và năm phòng học. Rất may không có thiệt hại về người. Tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và hỗ trợ mỗi hộ dân có nhà bị sập hoặc tốc mái ba triệu đồng.

* Tại Cần Thơ, ngày 3 và 4-8, toàn thành phố có mưa lớn kèm theo gió mạnh khiến ba căn nhà bị sập, 61 căn bị tốc mái, gãy hai trụ điện hạ thế và một trẻ em bị thương. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.

* Tại Tiền Giang, mưa lớn kèm lốc xoáy vào trưa 3-8 làm 68 căn nhà bị tốc mái. Trong đó huyện Gò Công Tây có 40 căn, huyện Cái Bè 26 căn và huyện Châu Thành hai căn. Lốc xoáy còn làm đổ, ngã 80 cây sầu riêng tại xã Thiện Trí (huyện Cái Bè).

* Mưa lớn liên tiếp làm tỉnh Kiên Giang có hơn 200 căn nhà bị hư hại, tổng thiệt hại gần chín tỷ đồng. Tại xã Vân Khánh Tây và xã Vân Khanh của huyện An Minh, mưa to trên diện rộng trùng với triều cường làm nước biển dâng cao tràn qua tuyến đê biển gây ngập, làm 105 căn nhà bị thiệt hại, trong đó có sáu căn nhà bị trôi, 35 căn nhà bị sập, một căn nhà bị tốc mái, 63 căn nhà ngập nước. Ðoạn đê từ Tiểu Dừa đến Kim Quy (An Minh) dài khoảng 4,5 km bị sạt lở nghiêm trọng. Tỉnh đã công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, khu đông bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An. Từ ngày 5 đến 6-8, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to. Lũ trên sông Thao, sông Mã và sông Bưởi đang lên, lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Ðế đã đạt đỉnh ở mức 3,34 m, vượt báo động 1 là 0,34 m. Dự báo, lũ trên sông Thao, sông Bưởi và sông Mã tiếp tục lên.

 

Theo Nhandan