Thứ sáu,  20/09/2024

Gian nan phòng, chống xuất cảnh trái phép

(LSO) – Do địa bàn biên giới dài, lực lượng chức năng còn mỏng, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế… nên tình trạng xuất cảnh trái phép còn diễn biến phức tạp tại tuyến biên giới Lạng Sơn.        

   Lực lượng chức năng căng mình phòng chống

Kể từ khi nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (năm 2018) đến nay, thiếu tá Cao Văn Long, nhân viên kiểm soát của đồn thường xuyên có mặt tại các điểm, đường mòn lối tắt Lọ Bon, Đồi Cao, Đồi Keo, Khe Choóng dọc cánh gà biên giới để vừa làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc vừa làm nhiệm vụ phòng, chống xuất cảnh trái phép.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng) tuyên truyền người dân tạm trú tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc

“Do địa hình đồi núi, nhiều đường mòn, lối tắt, số người sang Trung Quốc làm ăn tương đối nhiều nên khi bị ngăn chặn ở khu vực này thì công dân lại tìm địa điểm khác để xuất cảnh trái phép nên việc ngăn chặn không thể triệt để.” – thiếu tá Long cho biết.

Nhiều năm nay, khu vực biên giới xã Tân Mỹ (Văn Lãng) cũng là điểm “nóng” về xuất cảnh trái phép. Tại thôn Cốc Nam, Khơ Đa, Ma Mèo thường xuyên có từ 200 đến 300 người, cao điểm có tới hơn 1.000 người từ các tỉnh nội địa lưu trú, mang vác hàng thuê qua biên giới. Công an, dân quân xã thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng nắm tình hình, quản lý tạm trú, tạm vắng nhưng công tác này còn khó khăn nên vẫn có công dân xuất cảnh trái phép.

Ông Hoàng Văn Địa, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: Do người đến đây sinh sống, làm thuê có chỗ ở và thời gian lưu trú không ổn định, có trường hợp chỉ ở vài ngày rồi di chuyển địa điểm khác nên họ không khai báo tạm trú nên ông tác quản lý tạm trú, tạm vắng gặp nhiều khó khăn.

Quản lý trên 16,3 km đường biên thuộc 3 xã: Mẫu Sơn, Yên Khoái, Tú Mịch nên công tác đấu tranh, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép đối với Đồn Biên phòng Chi Ma (Lộc Bình) còn phức tạp hơn. Người xuất cảnh trái phép qua đây chủ yếu là người dân các huyện, tỉnh nội địa sang Trung Quốc làm thuê dài ngày. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn thì họ tiếp tục chờ thời điểm thích hợp như đêm tối hoặc lợi dụng sơ hở để vượt biên trái phép.

Thượng tá Linh Hồng Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết: Khi đồn gọi hỏi, xử lý vi phạm hành chính về xuất cảnh trái phép và yêu cầu nộp phạt theo quy định (từ 3 triệu đến 5 triệu đồng) thì hầu hết người vi phạm không mang đủ tiền để nộp phạt. BĐBP không được phép tạm giữ người xuất cảnh trái phép nên chỉ có thể nhắc nhở yêu cầu công dân quay trở lại, vào sổ theo dõi và gửi thông báo đến chính quyền nơi cư trú để tuyên truyền, giáo dục, quản lý.

Theo số liệu từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, năm 2018, lực lượng BĐBP phát hiện 4.622 người xuất cảnh trái phép; 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có gần 4.000 người xuất cảnh trái phép, tăng gần 1.500 người so với cùng kỳ năm ngoái.

   Cần giải pháp hữu hiệu hơn

Tìm hiểu thực tế cho thấy: nguyên nhân chính dẫn đến xuất cảnh trái phép gần đây tăng do nhu cầu lao động phổ thông của Trung Quốc tăng cao nên người dân ở các huyện, tỉnh nội địa sang Trung Quốc lao động tăng. Tuyến biên giới Lạng Sơn dài gần 232 km với nhiều đường mòn, đường tắt đi lại thuận tiện trong khi đó, lực lượng chức năng (bộ đội biên phòng, công an, dân quân…) hạn chế về quân số nên chỉ có thể ngăn chặn ở những khu vực người dân hay qua lại chứ không đủ quân số chốt chặn toàn tuyến biên giới. Từ năm 2018 đến nay, lực lượng BĐBP mới xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất cảnh trái phép được 38 vụ với 97 trường hợp.

Cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình) gia cố hàng rào thép gai trên biên giới

Trung tá La Thịnh Trường, Phó Trưởng Phòng Trinh sát, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về xuất nhập cảnh đến người dân; đồng thời phối hợp nắm chắc tình hình, thực hiện tốt công tác quản lý cư trú tại địa bàn biên giới.

Để giảm thiểu tình trạng xuất cảnh trái phép, bên cạnh những giải pháp trên, về lâu dài, cấp ủy, chính quyền các cấp tại Lạng Sơn và các địa phương cần quan tâm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ việc làm trong nước, xuất khẩu lao động và vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân. Công dân cần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh; tìm hiểu các quy định và những rủi ro khi nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc để sang đó lao động bằng con đường hợp pháp.

MINH ĐỨC