Thứ sáu,  20/09/2024

Nạn ăn xin gây mất mỹ quan tại các di tích

(LSO) – Những năm gần đây, nạn ăn xin ở các di tích tâm linh trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung diễn ra khá phổ biến. Những đối tượng này thường hoạt động thành từng nhóm xin tiền khách du lịch, gây mất mỹ quan khu vực. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh vấn nạn này nhưng tình trạng này vẫn chưa dứt điểm.

Mặc dù thời điểm hiện tại, ở các điểm di tích, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh như: đền Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn), đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc), đền Bắc Lệ (Hữu Lũng),… không phải mùa lễ hội hay dịp lễ nhưng chúng tôi vẫn bắt gặp không ít trường hợp người ăn xin ngồi trước cổng để xin tiền người đi lễ. Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Ban quản lý đền Mẫu Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: “Người ăn xin tại đền Mẫu Đồng Đăng thường tập trung đông vào dịp lễ hội và tháng 9 âm lịch, những ngày còn lại thì ít. Nhà đền thường xuyên kết hợp với chính quyền để hạn chế những người ăn xin trước cửa đền nhưng rất khó khăn bởi vì cứ nhắc nhở họ đi rồi khi không có mặt chúng tôi họ lại ngồi xin ăn”.

Người ăn xin tại cổng đền Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn

Tại đền Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, chúng tôi nhận thấy những người ăn xin ở đây hoạt động khá đông. Chỉ riêng buổi sáng ngày 30/8/2019 (mùng 1 tháng 8 âm lịch), chúng tôi quan sát có 15 người ăn xin, đa phần là người già ngồi la liệt từ bãi gửi xe vào tới cổng đền. Chị Nông Thị H, người bán hàng gần cổng đền Bắc Lệ ngao ngán: “Người ăn xin ngồi ở cổng đền đa phần là người già và trẻ em, họ thường bám theo khách đi lễ để chèo kéo xin tiền bằng được. Những người khách vào quán tôi mua hàng họ phàn nàn nhiều lắm”. Ngoài ra, ở một số địa điểm khác như: chùa Bắc Nga (Cao Lộc), chùa Thanh Hương, chùa Tân Thanh (Văn Lãng),… cũng có người ăn xin hoạt động.

Người ăn xin tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh gồm nhiều độ tuổi, đa số là người già và người trung tuổi, khi đi xin họ thường bế theo trẻ nhỏ tầm 3 – 4 tuổi. Người ăn xin thường tập trung tại các cơ sở tâm linh (đền, chùa); các di tích trên địa bàn toàn tỉnh. Họ thường để những vật dụng có thể đựng tiền trước mặt (mũ, nón, rổ, ca nhựa,…) khách qua đường sẽ cho tiền vào đó hoặc họ vừa hát rong vừa xin ăn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng người ăn xin được đưa vào Cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh rất ít (2 người), bởi vì những người xin ăn thường bỏ chạy khi thấy sự xuất hiện của ngành chức năng. Thêm vào đó, người ăn xin thường hoạt động rải rác nên việc xử lý cũng gặp nhiều trở ngại. Hiện nay,  đối tượng lang thang xin ăn có hộ khẩu Lạng Sơn thường rất ít, chủ yếu là người từ các địa phương khác tới.

Ông Nguyễn Xuân Đài, chuyên viên Phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trong quá trình xử lý và ngăn chặn nạn ăn xin, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên, cơ sở vật chất hiện nay rất thiếu thốn, cơ sở bảo trợ xã hội ở xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đã quá tải, không đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng người ăn xin khi được tiếp nhận. Bên cạnh đó, số lượng biên chế rất ít, vì thế, để chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng này sau khi đưa về cơ sở bảo trợ rất khó. Thêm nữa, nguồn kinh phí cho chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng ăn xin khi được tiếp nhận về các cơ sở bảo trợ rất hạn hẹp…

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng để ngăn ngừa, giải quyết tình trạng người ăn xin, đặc biệt là tại các điểm di tích; phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh có người xin ăn tại Lạng Sơn xây dựng kế hoạch cụ thể để, từng bước giải quyết nạn ăn xin; tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt hơn quy trình tiếp nhận đối tượng ăn xin vào cơ sở bảo trợ …

Ngày 5/8/2019, Văn phòng UBND tỉnh có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc giải quyết tình trạng một số đối tượng lợi dụng người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em để tổ chức hoạt động lang thang bán hàng rong, xin ăn (Công văn số 3195/VP-KGVX). Theo đó, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức rà soát địa bàn, đưa các đối tượng lang thang xin ăn, không có nơi ở ổn định vào chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Ngày 8/8/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1511/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó trú trọng quản lý an ninh trật tự du lịch, ngăn chặn các hành vi bán hàng rong, ăn xin,… tại các điểm di tích tâm linh nói riêng và các khu du lịch nói chung.
HOÀNG HIẾU