Thứ sáu,  20/09/2024

Hợp tác xuất khẩu lao động qua biên giới: Còn đó những khó khăn

(LSO) – Do những bất cập trong quá trình triển khai mà gần 2 năm qua, việc thực hiện cơ chế hợp tác quản lý lao động giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Sùng Tả, Quảng Tây (Trung Quốc) đã và đang có những khó khăn nhất định. Cần có giải pháp tháo gỡ để thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

   Tỷ lệ đi lao động hợp pháp đạt thấp

Trung bình mỗi năm, địa bàn tỉnh có khoảng 100.000 lượt người dân xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê, trong đó có từ 5.000 đến 7.000 người Lạng Sơn xuất cảnh từ 20.000 đến 30.000 lượt. Cụ thể riêng năm 2018, có khoảng 7.000 người dân tỉnh Lạng Sơn xuất cảnh gần 30.000 lượt và năm 2019 có gần 5.500 người dân Lạng Sơn xuất cảnh gần 22.000 lượt sang Trung Quốc làm thuê.

Lượng người xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê tương đối nhiều song thực tế, số người đi theo kênh hợp pháp qua cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh và Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội thành phố Sùng Tả đã ký kết thực hiện lại chiếm số lượng rất ít, không đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể năm 2019, cả tỉnh mới giới thiệu và đưa được khoảng 750 lao động người Lạng Sơn đi làm việc tại Trung Quốc trên tổng số 1.500 người, đạt 50% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Trong khi số lượng lao động đi theo kênh này không đạt chỉ tiêu thì số lượng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê lại tăng. Năm 2019, cả tỉnh có hơn 6.300 trường hợp (trên 2.500 công dân Lạng Sơn, gần 3.800 công dân trong nước) xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, tăng gần 1.700 trường hợp so với năm 2018.

Cán bộ Đồn Biên phòng Chi Ma (Lộc Bình) tuyên truyền người dân xã Mẫu Sơn không xuất cảnh trái phép

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Ngày 31/5/2017, Sở LĐTB&XH Lạng Sơn và Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội thành phố Sùng Tả đã ký Biên bản hội đàm về cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới. Việc ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác nhằm tạo ra một kênh xuất khẩu lao động hợp pháp, chính thống từ Lạng Sơn sang Trung Quốc và ngược lại; hạn chế thấp nhất tình trạng lao động tự do và xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; giảm thiểu rủi ro khi lao động làm thuê bên Trung Quốc. Mục đích, ý nghĩa của cơ chế quản lý là rất rõ ràng tuy nhiên còn khó triển khai thực hiện trong thực tế.

   Cần gỡ những nút thắt

Qua thực tế cho thấy: việc thực hiện thỏa thuận hợp tác còn những bất cập nhất định khiến người dân không mặn mà đăng ký xuất khẩu lao động qua kênh chính thống dẫn đến số lượng người được xuất khẩu lao động chính thống sang Trung Quốc còn rất khiêm tốn. Cụ thể về thời điểm tuyển dụng, các đơn vị sử dụng lao động phía Trung Quốc chủ yếu tuyển dụng khi có nhu cầu và tổ chức vào thời điểm nhất định trong năm. Hơn nữa, khi làm việc tại công xưởng phía Trung Quốc theo thỏa thuận hợp tác, người lao động phải có làm việc ổn định, lâu dài trong khi đó, người dân chủ yếu tranh thủ lúc nông nhàn dịp cuối năm và sau Tết Nguyên đán mới sang Trung Quốc làm thuê với thời gian ngắn  từ 10 ngày đến 1 hoặc 2 tháng/lần. Phạm vi địa bàn lao động theo thỏa thuận hợp tác chỉ giới hạn ở thành phố Sùng Tả và lao động theo nhóm ngành nghề đòi hỏi tay nghề, kỹ thuật cao cũng là một trở ngại lớn bởi người dân chủ yếu là lao động phổ thông, có nhu cầu sang các khu vực nông trại ở các tỉnh, khu của Trung Quốc chặt mía, thu hái nông sản…

Không chỉ có thế, người dân xuất khẩu lao động theo kênh này còn phải có đủ điều kiện về sức khỏe, độ tuổi từ 18 đến 35, trước và sau khi đi lao động phải báo cáo chính quyền cơ sở những thông tin liên quan; thời gian tạm trú theo quy định tại Sùng Tả chỉ có thời hạn 1 tháng… nên đây cũng là bất cập khiến người dân không mặn mà tham gia xuất khẩu lao động hợp pháp qua kênh này. Ông Lý Văn Vựng, thôn Bản Nghiệc, xã Hồng Thái (Bình Gia) cho biết: “Tôi đã 50 tuổi, muốn tham gia đi làm theo kênh này cũng không đúng đối tượng. Hơn nữa, nếu cứ 1 tháng lại hết thời hạn tạm trú, phải về đóng dấu sổ thông hành 1 lần thì đi lại rất mất công và tốn kém.

Trước những bất cập trên đây, thiết nghĩ thời gian tới, các cấp ngành liên quan của tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của việc xuất khẩu lao động hợp pháp sang Trung Quốc. Cùng đó là tăng cường hợp tác, trao đổi, đề nghị cấp có thẩm quyền hai bên tạo cơ chế tăng thời gian tạm trú, mở rộng địa bàn lao động, mở rộng đối tượng tuyển dụng lao động ra các tỉnh trong nước của Việt Nam và đa dạng hóa hơn nữa ngành nghề, thời điểm tuyển dụng, thời gian lao động…

MINH ĐỨC


Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo thuận lợi về cơ chế cho người dân

(LSO) – Việc ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác lao động qua biên giới nhằm tạo ra một kênh xuất khẩu lao động hợp pháp, chính thống từ Lạng Sơn sang Trung Quốc và ngược lại. Do vậy, cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lao động hợp pháp nhiều hơn.

Bà Hoàng Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: “Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phấn đấu năm 2020 đưa trên 500 người đi lao động hợp pháp tại thành phố Sùng Tả”.

Cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới đã được trung tâm triển khai rộng khắp, lồng ghép tại các phiên giao dịch việc làm, nhưng người dân đến trung tâm để đăng ký đi làm việc hợp pháp tại thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc chưa nhiều. Năm 2019, có 700 người đến đăng ký, đạt 100% chỉ tiêu được giao.

Nguyên nhân người dân chưa “mặn mà” là do trong năm có sự thay đổi về thủ tục nhập cảnh; các điều kiện, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp đối với người lao động chưa tốt, thời gian lao động nhiều, chi phí làm sổ tạm trú và khám sức khỏe cao….

Năm 2020, trung tâm phấn đấu đưa trên 500 người trở lên đi lao động hợp pháp. Để đạt mục tiêu đó, trung tâm tiếp tục duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động đáp ứng yêu cầu.

Thượng tá Nguyễn Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh: “Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết thủ tục cho người dân”.

Thực hiện cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan tạo thuận lợi cho nhân dân trong giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh. Trong đó rút ngắn thời gian tiếp nhận và trả hồ sơ cho người dân từ 3 ngày xuống còn 1 ngày. Tính từ đầu năm 2019 đến hết tháng 11/2019, đơn vị cấp trên 100.000 sổ thông hành cho người dân, trong đó 50% là người dân trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi giải quyết thủ tục cho người dân. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh tăng cường tuyên truyền cho người dân về vấn đề đi lao động hợp pháp, tránh rủi ro có thể xảy ra.

Ông Lý Văn Bào, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc: “Đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về chương trình đi lao động hợp pháp qua biên giới”.

Với lợi thế có cửa khẩu phụ Pò Nhùng nên tạo điều kiện cho nhân dân 2 bên biên giới giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã, các đoàn thể đã tăng cường tuyên truyền cho dân về chương trình đi lao động hợp pháp qua biên giới và các quy định về thủ tục xuất cảnh hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều trường hợp đi “chui”. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, đồng thời siết chặt quản lý nhằm hạn chế người dân đi lao động trái phép như thời gian qua.

THANH HUYỀN