Thứ sáu,  20/09/2024

Lạng Sơn xếp thứ 26 về điểm chỉ số PAPI năm 2019

LSO-Sáng nay (28/4), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) và Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) tổ chức lễ công bố trực tuyến báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2019.


Đại biểu theo dõi lễ công bố trực tuyến tại Sở Nội vụ Lạng Sơn

Tại Lạng Sơn, lãnh đạo và công chức các phòng, bộ phận có liên quan thuộc các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố dự và theo dõi trực tuyến lễ công bố.

Báo cáo chỉ số PAPI 2019 của Việt Nam được công bố có 4 nhóm xếp hạng 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, nhóm cao nhất gồm 16 tỉnh, thành; nhóm trung bình cao có 16 tỉnh, thành; nhóm trung bình thấp có 15 tỉnh, thành và nhóm thấp nhất có 16 tỉnh, thành.

Trong năm 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận là ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định. Báo cáo PAPI 2019 cũng cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Lĩnh vực này được cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã, phường với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở hai cấp này tăng 5% so với năm 2018.

Lạng Sơn thuộc nhóm có số điểm trung bình cao với 44,07 điểm, xếp thứ 26 trong 63 tỉnh, thành của cả nước, giảm 2,98 điểm, tụt 25 bậc so với năm 2018 (năm 2018, Lạng Sơn và Bến Tre là 2 tỉnh có tổng điểm chỉ số PAPI cao nhất với 47,05 điểm, đứng đầu trong cả nước),

Năm 2019, chỉ số PAPI tiếp tục đánh giá ở 8 nội dung. Theo đó, năm 2019 duy nhất có chỉ số quản trị điện tử của tỉnh đạt 4,14 điểm, tăng 0,71 điểm so với năm 2018. Các chỉ số còn lại, Lạng Sơn đều giảm so với năm 2018.

Chỉ số PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam. PAPI đo lường hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.

Sau hai năm thí điểm (2009 và 2010), khảo sát PAPI bắt đầu thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011 đến nay. Báo cáo PAPI 2019 được thực hiện dựa trên ý kiến chia sẻ của 14.138 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc trong năm 2019. Từ năm 2009 đến 2019, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 131.501 lượt người dân thông qua phỏng vấn trực tiếp.

Tại lễ công bố, bà Cailtin Wiesen, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Báo cáo PAPI 2019 nêu bật giá trị trong việc đánh giá các cải cách về quản trị và hành chính công của một thập kỷ và so sánh hiệu quả quản trị đối với các mục tiêu quốc gia và phát triển bền vững trong đó ghi nhận cải thiện ở hầu hết các lĩnh vực quản trị.

 Quan trọng hơn, các kết quả mang tính đại diện quốc gia về những vấn đề người dân quan ngại nhất bao gồm nghèo đói và mất việc làm và đánh giá của người dân về những ưu tiên cải cách gần đây trong kiểm soát tham nhũng và quản trị điện tử, cung cấp góc nhìn hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi Việt Nam bước sang giai đoạn hồi phục sau dịch Covid -19.

Các chỉ số thành phần trong chỉ số PAPI năm 2019 của Lạng Sơn giảm so với năm 2018, cụ thể là: chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,04 điểm, giảm 0,5 điểm; công khai, minh bạch đạt 5,48 điểm, giảm 0,37 điểm; chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân 4,57 điểm, giảm 0,59 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 6,97 điểm, giảm 0,1 điểm; thủ tục hành chính công 7,4 điểm, giảm 0,26 điểm; cung ứng dịch vụ công 6,8 điểm, giảm 0,34 điểm; quản trị môi trường 3,58 điểm, giảm 1,61 điểm.

MINH ĐỨC - HOÀNG HIẾU