Thứ sáu,  20/09/2024

Dân khổ vì đường khó

(LSO) – Đã nhiều tháng nay người dân xã Bình Trung, huyện Cao Lộc và xã Khánh Khê, huyện Văn Quan phải sống trong cảnh “nắng bụi, mưa lầy” khi đi lại trên tuyến đường tỉnh 235B và 235C chạy qua địa bàn, nguyên nhân là do việc thi công phục vụ công trình thủy điện Khánh Khê gây nên.

Tuyến đường tỉnh 235B và 235C là tuyến đường quan trọng, kết nối xã Đồng Giáp, Khánh Khê, huyện Văn Quan và Bình Trung, huyện Cao Lộc với thành phố Lạng Sơn và ngược lại. Hai tuyến đường này từ lâu đã được cứng hóa, trải nhựa thuận tiện cho người dân đi lại và chuyên chở hàng hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, đoạn đường chạy qua địa bàn xã Bình Trung và xã Đồng Giáp đã bị biến thành con đường đất đỏ “nắng bụi, mưa lầy”, khiến việc di chuyển qua đây trở nên rất vất vả. Nguyên nhân là do để chuẩn bị cho việc tích nước thủy điện Khánh Khê, gần cuối năm 2019, đơn vị thi công đã đổ đất để nâng cao nền một số đoạn của đường tỉnh 235B và 235C phục vụ chuyên chở nguyên, vật liệu và chống ngập.

Người dân gặp khó khi tham gia giao trông trên tuyến đường 235B, xã Bình Trung

Được biết dự án thủy điện Khánh Khê xây dựng trên sông Kỳ Cùng nằm trên địa bàn xã Bình Trung, huyện Cao Lộc và xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, được khởi công năm 2009 nhưng do thiếu nguồn vốn, công trình ngừng thi công từ năm 2013. Đến năm 2018, dự án này mới được tái khởi động (dự án do Công ty Cổ phần thủy điện Thác Xăng làm chủ đầu tư; nhà thầu chính: Công ty Cổ phần cơ điện và xây dựng Việt Nam; các hạng mục thi công chính do Công ty Cổ phần Sông Đà 505 đảm nhận như: đập dâng, đập tràn, dẫn dòng, nhà máy, kênh xả, đường thi công).

Tuy nhiên, đến nay, việc thi công vẫn chưa hoàn thiện khiến người dân đi lại hết sức khó khăn. Đặc biệt là việc thi công để nâng cao nền đường tỉnh 235B và 235C đã gây ra nhiều phiền toái cho những người thường xuyên di chuyển qua đây. Bởi mặt đường được san lấp bằng đất đỏ trên nền đường cũ, nhiều xe công trình qua lại nên lúc nắng nóng thì bụi mù, mưa thì lầy lội, trơn trượt. Ông Hoàng Văn Mẫn, Chủ tịch UBND xã Khánh Khê, huyện Văn Quan cho biết: Thời gian qua, chính quyền xã đã nhận được nhiều kiến nghị của người dân về vấn đề này. Việc thi công nâng nền đường dở dang như vậy đã gây khó khăn cho bà con đi lại, giao thương hàng hóa, nhất là khi thời tiết mưa nhiều. Chỉ cần cơn mưa nhỏ là đường đã lầy lội, rất khó đi. Nhiều trường hợp người dân tham gia giao thông qua tuyến đường này đã bị ngã.

Con đường thi công dang dở không chỉ gây khó khăn cho người tham gia giao thông mà còn khiến hàng chục hộ dân sống dọc tuyến đường này khốn khổ không kém. Ông Âu Văn Tích, thôn Bản Mới, xã Bình Trung cho biết: Gần cuối năm 2019, đơn vị thi công bắt đầu tiến hành đổ đất để nâng nền đường. Khi nâng nền, đơn vị thi công đã làm lấp cống thoát nước khiến nước khe cạnh nhà tôi không thể thoát được và tạo thành hố nước dẫn đến nứt, sạt cả một phần sân nhà.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần 1 km nền đường tỉnh 235C, khu vực thôn Bản Mới, xã Bình Trung giờ đây không còn là đường nhựa mà thay vào đó là lớp đất đồi nhão nhoét. Đất được san gạt tạm bợ để lộ ra nhiều ổ voi, ổ gà, nhiều hố sụt về phía ta-luy âm hướng xuống sông Kỳ Cùng rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Ông Tích cho biết thêm: Những ngày qua, ở đoạn đường này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện giao thông tránh các rãnh đất, vũng nước hoặc bị mất lái do sình lầy, trơn trượt. Tại những vị trí khó đi, người dân phải khắc phục bằng cách xếp đá hoặc dùng cây gỗ xếp ngang qua. Tuyến đường tỉnh 235B ở phía đối diện, trước đây được trải nhựa phẳng lì, giờ cũng trong tình trạng tương tự.

Do việc lưu thông hết sức khó khăn, nhiều người dân ở xã Song Giáp cũ (xã Song Giáp sáp nhập về xã Bình Trung cuối năm 2019) khi muốn thực hiện các thủ tục hành chính đã phải quay ra thành phố Lạng Sơn để đi theo quốc lộ 1A, 1B mới đến được trụ sở xã Bình Trung. Nhiều người lưu thông hướng thành phố Lạng Sơn – Văn Quan và ngược lại đã phải quay lại vì không thể đi qua. Anh Hoàng Văn Trọng, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Do không biết đường hỏng, tôi đi theo đường tỉnh 235C để vào thăm người thân ở xã Khánh Khê. Nhưng khi chỉ còn gần 2 km nữa là đến xã thì không thể đi nổi vì đường lún và quá lầy lội, nên tôi phải quay lại thành phố rồi đi theo quốc lộ 1A lên Đồng Đăng rồi rẽ sang quốc lộ 1B để vào, đi như thế xa hơn gần 20 km.

Qua đó có thể thấy, từ một con đường được cứng hóa phục vụ đi lại, giao thương hàng hóa, nay chỉ vì một đoạn đường thi công dang dở  mà 2 tuyến đường này trở thành con đường khổ ải, gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, sản xuất của người dân. Thiết nghĩ đơn vị thi công cần quan tâm, có biện pháp khắc phục và sớm hoàn trả lại mặt đường để người dân đi lại thuận tiện, vừa để đảm bảo an toàn giao thông vừa góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Theo quy định tại Thông tư 50/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông – Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong điểm b, khoản 2, điều 12 ghi rõ: Công trình thiết yếu xây dựng không được ảnh hưởng đến công tác bảo trì, kết cấu và công năng của công trình đường bộ, đảm bảo an toàn cho giao thông đường bộ và các công trình khác ở xung quanh.

HOÀNG TÙNG