Thứ sáu,  20/09/2024

Lừa đảo người bán hàng: Chiêu thức mới của tội phạm công nghệ cao

(LSO) – Cuộc sống ngày càng phát triển, con người được giải phóng sức lao động nhờ công nghệ, song đây cũng là công cụ để đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo… Thời gian gần đây, đối tượng xấu sử dụng chiêu thức mua hàng qua mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người kinh doanh.

Là người chuyên kinh doanh nội thất ô tô, lắp đặt các loại camera hành trình, việc thường xuyên đăng tải các sản phẩm lên trang cá nhân facebook giúp anh Phạm Trung Sơn, địa chỉ 46 Bà Triệu, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn bán được một lượng hàng đáng kể. Khi có khách mua, anh chuyển hàng thông qua bưu điện, đơn vị chuyển phát. Khách mua hàng có thể thanh toán tiền hàng cho đơn vị chuyển phát hoặc chuyển khoản. Chính vì vậy, công việc kinh doanh diễn ra thuận lợi.

Đối tượng lừa đảo nhắn tin yêu cầu người bán hàng điền thông tin cá nhân vào trang web để chiếm đoạt tiền

Đầu tháng 4/2020, sau khi đăng một sản phẩm camera hành trình như thường lệ thì có một khách nhắn tin riêng hỏi mua sản phẩm. Người này yêu cầu anh gửi hàng đến một địa chỉ ở tỉnh Bắc Giang và yêu cầu anh cung cấp số tài khoản để chuyển trả tiền hàng. Sau một thời gian, người này cho biết gặp khó khăn trong việc chuyển tiền và gửi cho anh một trang web và yêu cầu anh điền đầy đủ các thông tin như: họ tên, số điện thoại, số tài khoản… Sau khi điền đầy đủ thông tin và mã OTP xác nhận giao dịch do ngân hàng gửi, điện thoại có tin nhắn thông báo tài khoản ngân hàng vừa được chuyển tiền. Đây là tiền của món hàng 2 bên đã giao dịch. Tuy nhiên, khi kiểm tra số tiền còn lại trong tài khoản ngân hàng anh mới tá hỏa, số tiền 27 triệu đồng đã bốc hơi từ bao giờ.

Không riêng vụ việc này, trong tháng 3/2020, tại huyện Đình Lập, một nam thanh niên sau khi đăng bán hàng trên mạng xã hội facebook bị đối tượng xấu đăng nhập tài khoản ngân hàng lấy mất số tiền 50 triệu đồng cũng với thủ đoạn như trên. Sau khi người bán hàng trả lời các câu hỏi trên trang web mà đối tượng xấu gửi đến thì những người này dùng thông tin đó để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng. Sau khi đăng nhập, các đối tượng nhanh chóng chuyển tiền đến những tài khoản ở nước ngoài. Chỉ trong chưa đầy 1 phút, toàn bộ số tiền trong tài khoản của người bán hàng đã không cánh mà bay.

Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với tổng số tiền 881 triệu đồng. Qua điều tra, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức lừa đảo như: kết bạn thông qua mạng xã hội lừa gửi tiền về từ nước ngoài; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, giả danh chủ tài khoản gửi tin nhắn vay, mượn tiền bạn bè, người thân; giả danh công an, cán bộ viện kiểm sát, toà án đe dọa nạn nhân có liên quan đến các đường dây tội phạm để tống tiền nạn nhân; thông báo trúng thưởng có giá trị lớn sau đó yêu cầu nạn nhân nộp tiền để nhận quà… Những chiêu thức tuy khác nhau nhưng đều có cùng một kịch bản là yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, sau đó, từ tài khoản này chuyển tiền ra nước ngoài.

Giả danh người mua hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chiêu thức rất tinh vi nhắm vào những người thường xuyên bán hàng online. Tuy mới xuất hiện trong thời gian gần đây song đã có không ít người bị lừa do đánh trúng tâm lý của người bán hàng và giao dịch “có vẻ” diễn ra bình thường khiến nạn nhân không hề nghi ngờ.

Thượng tá Vũ Tiến Đức, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Cầm đầu các đường dây lừa đảo chủ yếu là người nước ngoài. Tiền của nạn nhân sau khi chuyển khoản lòng vòng cuối cùng được chuyển qua tài khoản nước ngoài nên công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức. Chính vì vậy, để hạn chế thấp nhất những nguy cơ xảy ra các vụ việc lừa đảo người bán hàng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể, ngân hàng… trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, hiểu rõ những chiêu thức lừa đảo đến cán bộ, người lao động cũng như các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đơn vị phối hợp với các ngân hàng cảnh báo khách hàng đến chuyển tiền có biểu hiện nghi vấn đang bị lừa đảo để ngăn chặn.

Tuy nhiên, có những trường hợp nhân viên ngân hàng phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn nhưng nạn nhân vẫn không tin mình đang bị lừa. Đa số người đến trình báo được hỏi về việc có được tuyên truyền về chiêu thức, thủ đoạn của các đối tượng hay không thì câu trả lời là có song vẫn mắc lừa. Qua đó cho thấy một số người chưa thực sự cảnh giác đối với tội phạm công nghệ cao. Do vậy, để tránh được những chiêu thức lừa đảo trên, người dân, người bán hàng cần tìm hiểu rõ các chiêu thức lừa đảo mà lực lượng Công an tỉnh đã cảnh báo. Đồng thời, hạn chế đưa thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội như facebook, zalo.

THỤC QUYÊN - HẢI ĐĂNG