Thứ sáu,  20/09/2024

Chủ động thực thi phòng vệ thương mại

Sản xuất hàng thể thao xuất khẩu tại Công ty MXP (Thái Bình).

Với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài với thuế suất bằng 0% và ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu cũng được hưởng mức thuế tương tự.

Ðiều này giúp thị trường trong nước ngày càng trở nên sôi động, nhưng cũng tạo ra mối lo ngại hàng hóa giá rẻ từ các nước trên thế giới sẽ tràn ngập thị trường, đe dọa lợi ích lâu dài của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Thế nhưng, phần lớn DN vẫn chưa hiểu biết hết các chính sách, pháp luật về phòng vệ thương mại (PVTM) hay có kỹ năng sử dụng hiệu quả PVTM, dù đây được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước.

Chưa được chú trọng đúng mức

Trong thương mại thế giới, đang có ngày càng nhiều quốc gia sử dụng PVTM để bảo vệ thị trường trong nước trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác, mà vẫn phù hợp các cam kết thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều DN, hiệp hội vẫn còn xa lạ với công cụ này khi nhập siêu từ các nước vào Việt Nam ngày một tăng; việc khởi kiện thông qua các biện pháp PVTM để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước lại rất ít. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, hiện bộ này đã tiếp nhận và xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam mới điều tra, áp dụng khoảng 20 vụ việc PVTM với hàng hóa nhập khẩu và đưa ra 14 biện pháp PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước như ngành nhôm, thép, phân bón, thủy sản,…

 Con số này cho thấy, các DN Việt Nam vẫn rất thờ ơ với việc sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ nền sản xuất trong nước, bảo đảm điều kiện cạnh tranh công bằng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Dù cho trên thực tế, nhờ áp dụng biện pháp PVTM mà nhiều DN đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất, kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. Ðánh giá của Bộ Công thương cho thấy, năm 2018, trong số 20 DN sản xuất nhôm định hình tại Việt Nam, có tới 18 DN thua lỗ do không cạnh tranh được với hàng nước ngoài nhập khẩu giá rẻ. Tuy nhiên, sau một năm điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này, chỉ còn khoảng từ 3-4 DN bị lỗ lũy kế. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá với hàng hóa nhập khẩu đã có tác động tích cực, giúp hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá, gây thiệt hại cho nền sản xuất trong nước.

Theo kết quả khảo sát năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phần lớn các DN được hỏi đã biết PVTM là một rào cản để bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ “sơ khởi”, không có kiến thức sâu và còn e ngại sử dụng. Cụ thể, chỉ có 17% số DN hiểu kỹ về PVTM, 36% có nghe nhưng không hiểu biết sâu; 36% đã từng tìm hiểu sơ sơ và 11% DN không biết gì về PVTM. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc sử dụng công cụ PVTM phải đáp ứng những tiêu chí rất chặt chẽ của WTO cũng như của các FTA, đang khiến các DN “nản chí” vì tốn thời gian, nhân lực và chi phí để theo đuổi vụ kiện. Chưa kể, muốn hoàn thiện một bộ hồ sơ đi kiện phải thuê luật sư trong thời gian dài, số liệu phải được thu thập trong nhiều năm và điều quan trọng là phải chứng minh được việc bán phá giá của DN nước ngoài, chứng minh được thiệt hại do việc này gây ra theo đúng thủ tục. Ðể đáp ứng các yêu cầu nêu trên, với nhiều DN Việt Nam là điều rất khó khăn, thậm chí là ngoài khả năng về tài chính.

Cần có “lá chắn” vững chắc

Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, bên cạnh hạn chế về năng lực, tài chính, nhận thức và chưa quan tâm thỏa đáng tới PVTM, thì ý thức cộng đồng của các DN còn yếu cũng là rào cản lớn. Nhiều DN Việt Nam có tâm lý lo ngại vướng vào kiện tụng thương mại, chưa tin tưởng vào hiệu quả của hàng rào PVTM, thậm chí cho rằng, sử dụng hàng rào này sẽ bị lộ rất nhiều thông tin, số liệu của đơn vị. Ðối với Việt Nam, hầu hết các lĩnh vực nhôm, thép, dệt may, da giày, thực phẩm, đồ gia dụng đều đang bị cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu tràn lan trên thị trường. Trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế nhập khẩu bằng 0%, nếu các DN Việt Nam không sử dụng tốt các công cụ PVTM, coi PVTM là “lá chắn” vững chắc thì nguy cơ thị trường trong nước bị hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào “đè bẹp” là điều khó tránh khỏi. Ðiều này không những đẩy hàng hóa trong nước vào tình thế giảm sức cạnh tranh mà còn gây ra nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng khi mua phải các sản phẩm kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm,…

Cục trưởng PVTM (Bộ Công thương) Lê Triệu Dũng cho rằng, các biện pháp PVTM đã đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của khoảng 150 nghìn người lao động các ngành liên quan, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp PVTM ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước. Vì vậy, để việc thực thi các biện pháp PVTM ở Việt Nam đạt hiệu quả, trước hết, cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt, tích cực và hiệu quả của các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng DN, hiệp hội ngành hàng. Các văn bản pháp luật liên quan PVTM cần được rà soát, hoàn thiện để đồng bộ, phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật khác. Các cơ quan quản lý, hiệp hội phải cung cấp thông tin, tăng cường tư vấn, định hướng, tăng cường kết nối, hướng dẫn DN trong vấn đề này, góp phần bảo vệ DN, thị trường Việt Nam phát triển bền vững ngành sản xuất trong nước. Ðặc biệt, khi phát hiện các dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại về kinh tế, các DN cần chủ động đề nghị cơ quan chức năng khởi xướng điều tra hoặc áp dụng biện pháp PVTM để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, minh bạch.

Có thể thấy, đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng PVTM sẽ tạo cơ hội giúp cho các ngành sản xuất trong nước có thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó làn sóng hội nhập. Trong thời gian tới, các DN cũng như các nhà quản lý cần sử dụng các biện pháp PVTM linh hoạt hơn. Cần có cơ chế phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra; trong đó, cần đặc biệt quan tâm phát triển, kết nối hệ thống dữ liệu cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu giữa Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); theo dõi sát diễn biến về giá, lượng nhập khẩu của một số mặt hàng trọng điểm. Ðồng thời, tiếp tục quan tâm, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo Nhandan