Thứ sáu,  20/09/2024

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh: Tràng Định lấy tuyên truyền làm trọng

(LSO) – Từ năm 2017, thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) của tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Tràng Định đã đẩy mạnh tuyên truyền với các hình thức, cách làm đa dạng. Đến nay, việc giảm thiểu tỷ lệ MCBGTKS trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực.

Năm 2018, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của huyện Tràng Định là 127,8 trẻ trai/100 trẻ gái (cao hơn 11,5 điểm % so với toàn tỉnh). Nguyên nhân chính dẫn đến việc MCBGTKS là do xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, quan niệm phải có con trai để nối dõi, chăm sóc cha mẹ tuổi già, thờ cúng tổ tiên của người dân. Hơn nữa, mặc dù Đề án Kiểm soát MCBGTKS của tỉnh được triển khai từ năm 2017 nhưng vì một số lý do khách quan mà việc giảm thiểu MCBGTKS chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ông Đoàn Văn Nghị, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Tràng Định cho biết: Vì những hạn chế trên, từ năm 2018, các cấp, ngành liên quan, chủ đạo là cơ quan y tế ở huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để thực hiện tốt công tác này.

Cán bộ chuyên trách dân số xã Đề Thám, huyện Tràng Định (áo vàng) tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho người dân

Cụ thể, hằng năm, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện đã tham mưu cho UBND huyện đưa nội dung về công tác dân số vào chương trình công tác năm; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, mục tiêu cụ thể trong việc thực hiện đề án cho cơ sở. Cùng với đó, phát huy vai trò của người có uy tín trong vận động Nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền với các hình thức như: tuyên truyền qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo, tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi, phát thanh… với nhiều cấp độ tuyên truyền như: tư vấn tại trạm y tế, tổ nhóm, các câu lạc bộ và tư vấn lồng ghép trong các cuộc họp của các đoàn thể, tại gia đình, trường học… Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, có 1 hoặc 2 con là nữ chưa thực hiện KHHGĐ, đối tượng vị thành niên, thanh niên… Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện đã phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức được 25 cuộc tuyên truyền về công tác dân số cho hơn 1.400 lượt người nghe; phối hợp với 6 trường THCS trên địa bàn tuyên truyền cho gần 800 học sinh. Ngoài ra, nội dung tuyên truyền về MCBGTKS cũng được cơ quan dân số huyện lồng ghép tuyên truyền tại trạm y tế các xã, thị trấn, các tổ nhóm, câu lạc bộ, đoàn thể, gia đình tới hàng nghìn lượt người nghe.

Thực hiện đề án, toàn huyện có 11 câu lạc bộ MCBGTKS với gần 300 hội viên. Từ năm 2018, các cấp, ngành liên quan đã khuyến khích các câu lạc bộ này phát huy vai trò, trách nhiệm để đẩy mạnh tuyên truyền giảm thiểu MCBGTKS. Từ năm 2018 đến nay, các câu lạc bộ đã tổ chức được gần 50 buổi tuyên truyền đến hơn 2.000 lượt người nghe. Bà Nguyễn Thị Viên, thôn Cốc Tảo, xã Đề Thám cho biết: Tôi được nghe các cán bộ dân số của thôn, xã tuyên truyền rất nhiều về việc MCBGTKS. Tôi nhận thấy con trai hay con gái đều có thể làm nhiệm vụ chăm sóc cha mẹ tuổi già cũng như thờ cúng tổ tiên. Bởi vậy, mặc dù gia đình tôi có hai con gái nhưng chúng tôi quyết định không sinh thêm nữa, mà tập trung nuôi, dạy các con nên người.

 Nhờ các biện pháp tuyên truyền ở trên, việc giảm thiểu MCBGTKS của huyện Tràng Định đã đạt được những kết quả tích cực, đến nay, tỷ lệ giới tính khi sinh của huyện ước đạt 108,4 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm 19,4 điểm phần trăm so với năm 2018, thấp hơn 6,8 điểm phần trăm so với toàn tỉnh. Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Tràng Định là một trong những huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền giảm thiểu tỉ lệ MCBGTKS và đạt kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm thiểu tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung. Để duy trì kết quả này,  các cấp, ngành ở huyện cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các nội dung của đề án và tiếp tục lấy tuyên truyền làm trọng.

Được biết trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo công tác DS- KHHGĐ huyện Tràng Định sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp đã đưa ra. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất các thôn, bản đưa quy định không được lựa chọn giới tính thai nhi vào quy ước, hương ước, gắn với việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Phấn đấu đưa tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện trở về mức cân bằng tự nhiên (104 đến106 bé trai/100 bé gái).

THU DIỄM