Thứ sáu,  20/09/2024

Tiêm phòng diện rộng để phòng dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh viêm da nổi cục, các địa phương có dịch đã phối hợp với Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chủ động triển khai tiêm phòng cho trâu, bò để phòng dịch.

Lãnh đạo Cục Thú y kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm các ổ dịch viêm da nổi cục tại Hữu Lũng (Lạng Sơn). Ảnh: Cục Thú y


Hơn 12.000 con trâu, bò nhiễm bệnh

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ tháng 10/2020 đến ngày 30/3/2021, cả nước xuất hiện 602 ổ dịch viêm da nổi cục tại 582 xã thuộc 130 huyện của 23 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 12.731 con, số gia súc tiêu hủy là 920 con. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 497 ổ dịch tại 492 xã thuộc 103 huyện tại 22 tỉnh thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 11.290 con, số gia súc tiêu hủy là 716 con.

TS Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y đánh giá, dịch bệnh lần này diễn biến khá phức tạp vì hệ thống thú y cơ sở đang mỏng, giá trị của gia súc thì cao (3-40 triệu/con trâu, bò) nên đã có hiện tượng “bán tháo” khi vật nuôi mắc bệnh, tăng nguy cơ lây lan dịch.

Để khẩn trương phòng chống bệnh viêm da nổi cục, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức nhập khẩu vaccine viêm da nổi cục. “Đến nay, có 2 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu khẩn cấp vaccine viêm da nổi cục. Cục Thú y đã tổng hợp, báo cáo và được Bộ NN$&PTNT cho phép nhập khẩu và thông quan 3 loại vaccine của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, số lượng là 4.120.000 liều, trong đó đã nhập khẩu 680.000 liều. Trong tháng 4/2021, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 1 triệu liều”, ông Long cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin, các loại vaccine nêu trên chưa có tên trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, tuy nhiên theo quy định của pháp luật về thú y, Bộ NN&PTNT đã cho phép nhập khẩu vaccine để phòng chống dịch khẩn cấp. Vaccine đã được đăng ký, cấp phép lưu hành tại nước xuất khẩu và nhiều nước khác nhưng đây là vaccine lần đầu nhập khẩu, sử dụng tại Việt Nam nên việc kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng là cần thiết để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc khi tiêm vaccine.

“Chúng tôi lựa chọn tiêm cho 5-10 con trâu, bò tại 1 thôn/xóm chưa xảy ra dịch trong xã có dịch viêm da nổi cục, sau đó theo dõi, quan sát trong vòng 24h. Nếu gia súc không có biểu hiện bất thường thì tiêm phòng mở rộng ra các hộ còn lại của thôn/xóm đó và tiếp tục theo dõi trong 1 tuần; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiêm phòng đồng loạt trên diện rộng. Bước ba, tiêm phòng đồng loạt trên địa bàn các thôn/xóm khác của xã đang có dịch và các xã có nguy cơ cao do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định và đề xuất”, ông Long chia sẻ về quy trình tiêm phòng đánh giá chất lượng vaccine.

Tiêm phòng trên diện rộng

Ông Long cho biết, theo báo cáo bằng văn bản của các địa phương, trong quá trình tiêm phòng không xảy ra sự cố nghiêm trọng, hầu hết số gia súc được tiêm phòng đều khỏe mạnh, chỉ có một số trường hợp xuất hiện nốt sần (do đây là loại vaccine tiêm dưới da) nhưng đều hồi phục nhanh, không có trường hợp nào phát bệnh sau khi tiêm phòng vaccine.

“Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các tỉnh như: Sơn La, Thái Nguyên, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị,… đã sử dụng trên 220.000 liều để tiêm phòng cho đàn gia súc ở các địa phương đang có dịch, địa phương nguy cơ cao”, ông Long cho biết thêm.

Đơn cử như tại Hà Tĩnh, từ ngày 1/3/2021 – 15/3/2021, tỉnh này đã triển khai tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục bao vây, chống dịch trên địa bàn 8 huyện, thành phố, thị xã.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh viêm da nổi cục, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động làm việc với Cục Thú y (Bộ NNPTNT) và doanh nghiệp nhập khẩu nhập thêm 50.000 liều vaccine Lumpyvac do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Đợt vacine mới này đã được kiểm tra các thủ tục liên quan và hoàn thành tiến hành tiêm thí điểm trên trâu, bò tại một số địa phương mới xuất hiện ổ dịch như: Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Khê,… từ ngày 23 đến ngày  25/3/2021. Qua theo dõi và giám sát, đàn gia súc được tiêm phòng đang phát triển ổn định, không có triệu chứng bất thường.

Từ kết quả này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục tiến hành phân bổ vaccine đến các địa phương để tiêm phòng bao vây, khống chế dịch. Hiện nay, huyện Đức Thọ đã nhận về 10.650 liều, huyện Vũ Quang 1.000 liều, huyện Hương Khê 12.000 liều, huyện Can Lộc 3.000 liều.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, địa phương đã tiêm vaccine Lumpyvac cho 37.807 con trâu, bò. Kết quả theo dõi, giám sát lâm sàng và báo cáo bước đầu tình hình tiêm phòng khẩn cấp vaccine viêm da nổi cục tại Hà Tĩnh cho thấy việc sử dụng vaccine Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ an toàn, đàn trâu bò sức khỏe ổn định, phát triển tốt và không mắc bệnh viêm da nổi cục.

Các huyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục tập trung trên diện rộng từ ngày 31/3/2021 cho đàn trâu, bò tại các địa phương đã, đang có dịch bệnh viêm da nổi cục và các vùng có nguy cơ cao (trong phạm vi bán kính 100 km từ địa phương có dịch viêm da nổi cục).

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức tiêm phòng cho trên 12.000 con bò sữa và trong tuần sau sẽ tiêm đồng loạt khoảng 100.000 liều vaccine.

Theo Cục Chăn nuôi, trên cơ sở đánh giá thực tế hiệu quả của vaccine viêm da nổi cục, trong tháng 4/2021 sẽ có thêm 1 triệu liều vaccine được nhập về tiêm phòng khẩn cấp cho đàn trâu, bò để phòng chống bệnh viêm da nổi cục đang diễn biến phức tạp.

Theo Chinhphu