Thứ sáu,  20/09/2024

Giữ rừng bằng hương ước

– Trải qua thời gian, trong khi nhiều nơi rừng bị “xóa sổ” thì tại nhiều làng, bản của xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng lại có những cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi luôn được quản lý, bảo vệ tốt, bao thế hệ con cháu họ đã thấy những cây cổ thụ ấy hiện hữu, chở che, ôm ấp làng quê mình. Và ở những ngôi làng này, cây gỗ cổ thụ được dân làng gìn giữ như báu vật bằng hương ước từ nhiều thế hệ.

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp ghé thăm chân núi đá vôi làng Lũng Mần, thôn Lũng Mần, xã Gia Lộc (Chi Lăng), chứng kiến những cây gỗ cổ thụ (đa số là cây gỗ nghiến và một số loại cây khác) hàng trăm năm tuổi nằm sừng sững trên núi đá vôi, ngay đằng sau làng, như được hòa mình vào khu rừng cổ tích. Gần 40 cá thể nghiến thân to  3, 4 người ôm, tỏa bóng mát cho cả ngôi làng. Ông Hoàng Văn Khàu (80 tuổi), người cao tuổi nhất trong xóm Lũng Mần cho biết: Từ bé, tôi đã thấy những cây gỗ nghiến to bằng 3, 4 người ôm. Cây nghiến không chỉ tỏa bóng mát mà còn giữ nguồn nước, chặn những tảng đá khi có sạt lở, ngăn đá lăn xuống làng, bản mà còn là “báu vật” của cả làng. Không ai được khai thác những cây gỗ này khi chưa có ý kiến của cả làng.

Các cây gỗ nghiến cổ thụ tại làng Lũng Mần, thôn Lũng Mần, xã Gia Lộc

Làng Lũng Mần có 24 nóc nhà, với hơn 100 nhân khẩu, từ những đứa trẻ con cho đến người già đều biết rằng, những cây gỗ cổ thụ này là tài sản chung của cả làng và tất cả mọi người trong làng đều có trách nhiệm gìn giữ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có làng Lũng Mần mà những cây gỗ cổ thụ còn có ở bản Lũng Nưa (thôn Lũng Nưa) và một số làng, bản khác của các thôn trong xã Gia Lộc. Để giữ gìn được những cây gỗ nghiến cổ thụ này, từ xa xưa đã có hương ước truyền miệng đời ông cha để lại. Đến năm 2017, tại mỗi làng, bản đều xây dựng văn bản hương ước phát cho từng gia đình trong thôn (trong đó có những điều khoản quy định rõ về công tác quản lý, bảo vệ những cây cổ thụ của làng). Đơn cử như mỗi làng đều có một thổ công để thờ cúng, (những cây gỗ nghiến cổ thụ đều nằm trong khoản quy định do người dân trong làng đặt ra – thần thổ công cai quản), vào dịp cuối năm, tại mỗi thổ công đều phải làm lễ tạ ơn cầu thần thổ công, thổ địa bảo vệ cho người dân trong làng. Ngày mùng 2 Tết Nguyên đán hằng năm, mỗi nhà đều có một mâm lễ đến thờ thổ công cai quản làng bản. Bất cứ ai chặt cây trong rừng không được làng, bản chấp thuận đều vi phạm. Tùy vào mức độ nặng, nhẹ sẽ soi chiếu xử phạt đúng hương ước. Trong đó, có mức độ phạt “tạ làng, tạ bản”, người vi phạm phải mang lễ gồm: gà, rượu, thịt đến thổ công để cúng. Còn chính người dân trong làng vi phạm sẽ bị loại khỏi làng, không được tham gia thổ công cùng với làng, bản và bị họ hàng, làng xóm cô lập, xa lánh.

Ông Hoàng Minh Chánh, Chủ tịch UBND xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, trên địa bàn xã có gần 200 cây nghiến cổ thụ nằm rải rác tại một số bản, làng, với tuổi thọ vài trăm năm tuổi và được gìn giữ qua nhiều thế hệ bằng hương ước của làng, bản. Không chỉ có người trong làng, bản biết đến “lệ làng” mà người dân các nơi khác đều biết đến và nghiêm túc thực hiện. Do đó, hàng trăm cây cổ thụ trên đã và đang tồn tại, phát triển góp phần cùng chính quyền địa phương bảo vệ nguồn sinh thái, tài nguyên thiên nhiên rừng.

Bên cạnh các quy ước, hương ước của thôn, bản, để giữ các cây cổ thụ thì chính quyền các cấp trong huyện đã quan tâm chỉ đạo bảo vệ các khu rừng gỗ nghiến cổ thụ ở xã; các lực lượng chức năng trong huyện cũng đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia giữ rừng, tăng cường tuần tra bảo vệ, bảo tồn các cây cổ thụ cũng như tài nguyên thiên rừng. Vì vậy, thời gian qua, những cánh rừng trên địa bàn xã được bảo vệ, phát triển tốt.

Rời xã Gia Lộc, hình ảnh những cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi như những khu rừng cổ tích cứ hiện ra trước mắt. Hy vọng một ngày nào đó khi quay trở lại, nơi đây sẽ có thêm những cánh rừng khác được bảo vệ, giữ gìn tài nguyên rừng bằng hương ước, quy ước ngày càng bài bản; ý thức giữ rừng của người dân ngày càng được nâng cao hơn, để những cánh rừng cổ thụ ngày càng tươi tốt, ôm ấp, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

ĐĂNG THÙY