Thứ sáu,  20/09/2024

Đẩy mạnh thi đua, phát huy sức sáng tạo của người lao động

– Những năm qua, các cấp công đoàn đã tích cực triển khai sâu rộng các phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước, nhất là “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (LĐG – LĐST). Qua đó, thu hút và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của đoàn viên, người lao động trên nhiều lĩnh vực.

Hiện toàn tỉnh có hơn 1.300 công đoàn cơ sở (CĐCS) với hơn 40.700 đoàn viên. Để phong trào LĐG – LĐST mang lại hiệu quả thiết thực, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn ngành, LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn cơ sở (CĐCS) cụ thể hóa nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị, đặc điểm công việc của ngành, lĩnh vực với thực hiện các phong trào, cuộc vận động riêng của từng ngành.

Điển hình như ở khối hành chính sự nghiệp, PTTĐ được gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành – trách nhiệm – liêm chính – sáng tạo” và thực hiện  Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.  Theo thống kê của Công đoàn Viên chức tỉnh, hằng năm, 100% CĐCS trong khối phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó phát huy sáng tạo, trí tuệ, ký kết, vận động cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tham gia các phong trào thi đua. Bình quân hằng năm, Công đoàn Viên chức tỉnh có hơn 300 chiến sỹ thi đua cơ sở, hơn 3.000 đoàn viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

Công nhân Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp Thành, huyện Cao Lộc trong giờ làm việc

Ở khối trường học, phong trào LĐG – LĐST được triển khai thực hiện gắn với thi đua “Dạy tốt, học tốt”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Bà Hà Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh cho biết: Chúng tôi quản lý hơn 2.400 đoàn viên công đoàn là cán bộ, nhà giáo, người lao động ở 41 CĐCS trực thuộc. Công đoàn ngành đã chỉ đạo các CĐCS căn cứ nhiệm vụ, điều kiện thực tế phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức phát động PTTĐ phù hợp, cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả; động viên nhà giáo tận tụy, nêu cao trách nhiệm, có sản phẩm đổi mới, sáng tạo trong quản lý và giảng dạy. Bình quân hằng năm, toàn ngành có khoảng gần 1.000 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dạy và học.

Cùng với đó, đoàn viên, CNVCLĐ khối sản xuất, kinh doanh tập trung vào việc phát huy sáng kiến,  nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường sản xuất, tiêu thụ. Bà Đinh Thị Minh Loan, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Bảo Long, huyện Cao Lộc cho biết: Để PTTĐ phát huy hiệu quả, công ty tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí để công nhân, lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và có hình thức khen thưởng kịp thời. Nhờ đó, nhiều cá nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mạnh dạn đề xuất, nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm trong sản xuất. Từ năm 2013 đến nay, đã có trên 30 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, đem lại giá trị làm lợi hàng tỷ đồng.

Thực tế cho thấy: phong trào LĐG – LĐST đã khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ của CNVCLĐ trong các ngành, nghề, lĩnh vực tham gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong PTTĐ yêu nước. Qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Các sáng kiến, đề tài của CNVCLĐ được ứng dụng đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bình quân mỗi năm, CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đưa vào áp dụng có hiệu quả làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 25 đề tài, sáng kiến của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo.

Ông Lý Đức Thanh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Qua các PTTĐ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề của CNVCLĐ đã từng bước được nâng lên, giúp hình thành đội ngũ công nhân lao động có trình độ, kỹ thuật cao. Đặc biệt, nhân Tháng Công nhân năm 2021, LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn đã triển khai Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đến các cấp công đoàn. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.600 sáng kiến tham gia chương trình, xếp thứ 34/83 đơn vị trên toàn quốc. Trong đó, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã lựa chọn, đề nghị Tổng LĐLĐ biểu dương, khen thưởng 4 cá nhân tiêu biểu.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả PTTĐ, thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và phát động sâu rộng phong trào đến toàn thể CNVCLĐ. Đồng thời khuyến khích cán bộ, CNVCLĐ tham gia thực hiện sáng kiến, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Đồng thời tạo điều kiện cho CNVCLĐ thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt để xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.


Sáng tạo để phát triển

– Hưởng ứng chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ý tưởng sáng kiến thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường làm việc. Dưới đây là 3 cá nhân tiêu biểu, được LĐLĐ tỉnh lựa chọn, đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam biểu dương, khen thưởng.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng, đoàn viên CĐCS Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh: “Không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả công việc”.

Hơn 25 năm công tác trong ngành, tôi luôn nắm bắt tình hình thực tế để đưa ra những sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác. Từ năm 2015 đến nay, tôi đã có 6 sáng kiến được áp dụng tại đơn vị.

Đơn cử như đầu năm 2021, nhận thấy nhiều đối tượng lợi dụng Zalo, Facebook… để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, tôi đã thực hiện đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra sử dụng ứng dụng thương mại điện tử kinh doanh hàng lậu, hàng giả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.

Theo đó, tôi đã đề xuất với Cục trưởng chỉ đạo các đội QLTT áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức theo dõi hoạt động thương mại điện tử. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm tình hình, địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm; thông tin các tổ chức, cá nhân vi phạm trên trang thông tin điện tử của cục để cảnh báo, nâng cao nhận thức cho Nhân dân. Từ tháng 1/2021 đến ngày 10/5/2021, qua áp dụng sáng kiến, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 35 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 263 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1,2 tỷ đồng, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng.

Chị Lâm Thùy Mai, đoàn viên CĐCS Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn: “Tích lũy kinh nghiệm để sáng tạo”.

Là giáo viên môn Vật lý, tôi không chỉ truyền tải kiến thức cho học sinh mà còn luôn tích lũy kinh nghiệm, áp dụng sáng kiến vào giảng dạy. Qua đó tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Tôi tham gia chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” với sáng kiến “Hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học đề tài chế tạo mô hình máy sấy hồi bằng năng lượng mặt trời”.

 Hoa hồi là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn, nhất là vùng đất Văn Quan. Qua quá trình dạy học và tìm hiểu thực tiễn, tôi được biết hiện nay, người dân thường sấy hồi với hai phương pháp: phơi nắng và dùng lò sấy củi. Tuy nhiên, cách sấy này tốn kém, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã nghiên cứu, hướng dẫn học sinh chế tạo máy sấy hồi bằng năng lượng mặt trời. Sáng kiến đã tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời – nguồn năng lượng sạch, vô tận vào quá trình sấy hồi, giúp tiết kiệm chi phí, sức người. Trong năm học 2020 – 2021, việc thực hiện sáng kiến này đã định hướng tốt cho học sinh trong quá trình tiến hành, từ đó mang lại kết quả cao hơn trong công tác nghiên cứu khoa học. Sáng kiến tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đạt giải ba.

Anh Đỗ Phi Hùng, Trưởng Phòng Kỹ thuật – Công trình, đoàn viên CĐCS Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn: “Sáng tạo bằng tâm huyết, lòng yêu nghề”. 

Xuất phát điểm là kỹ sư đường bộ, tôi luôn tâm huyết, học hỏi nâng cao chất lượng công trình. Cùng đó, được các cấp công đoàn thường xuyên tuyên truyền, phát động phong trào, tôi đều tích cực tham gia thực hiện sáng kiến trong lao động. Trung bình 1 năm, tôi có 1 sáng kiến được công ty công nhận.

 Hiện nay, công ty là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Nam Hoàng Đồng I và Điều chỉnh mở rộng Khu đô thị Nam Hoàng Đồng I với diện tổng diện tích 2 dự án là hơn 77,3 ha. Khối lượng thi công các hạng mục công trình rất lớn, đặc biệt là hạng mục đường giao thông nội bộ. Do đó, năm 2020, tôi thực hiện sáng kiến “Cải tiến biện pháp thi công mặt đường bê tông xi măng từ máy đầm bàn sang máy đầm thước” tại 2 dự án. Từ cuối tháng 3/2021 đến nay, việc thực hiện sáng kiến giúp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công trình, tiết kiệm được hơn 160 triệu đồng trong thi công.

NGỌC HIẾU - DƯƠNG DUYÊN