Thứ sáu,  20/09/2024

Chuyển từ IPM sang IPHM

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hơn 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt được trang bị kiến thức, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) vào sản xuất; 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh, 70% diện tích cây ngô, 70% cây công nghiệp được ứng dụng IPHM; giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học.

Lớp học IPM thực hành điều tra sâu bệnh ngoài đồng ruộng tại tỉnh Ðồng Tháp.
Lớp học IPM thực hành điều tra sâu bệnh ngoài đồng ruộng tại tỉnh Ðồng Tháp.

Nền tảng của IPHM là quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Chương trình IPM được xây dựng bởi sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) từ năm 1992. Chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho ngành nông nghiệp. Thông qua chương trình, người dân nắm bắt được các nguyên tắc sản xuất nông nghiệp an toàn, giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật.

Không còn “bạ đâu đánh đấy”

Xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ là một trong những vùng rau màu lớn nhất tỉnh Hưng Yên.Xã có 3.800 hộ dân thì có gần 3.000 hộ làm nông nghiệp. Hiện, hơn 300ha đất nông nghiệp của Yên Phú được sử dụng hoàn toàn trồng rau màu và cây ăn quả. Giám đốc Hợp tác xã Yên Phú Nguyễn Hữu Hưng cho biết, là vùng chuyên canh rau màu nhưng nhiều hộ dân ở Yên Phú chưa nắm bắt được kỹ thuật canh tác, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Một số bà con ra thăm đồng cứ thấy xuất hiện sâu là “đánh thuốc” bảo vệ thực vật, thậm chí chưa có sâu cũng “đánh thuốc” để phòng, điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường và chất lượng nông sản. Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường, thời gian qua Yên Phú đã triển khai mô hình canh tác rau màu bằng việc ứng dụng IPM vào sản xuất. Thông qua các lớp huấn luyện, thực hành tại mô hình thực tế, người dân đã nắm được đặc điểm hình thái của những đối tượng sâu hại cây trồng. Ðồng thời, nông dân cũng hiểu được quy luật phát sinh, gây hại và thời điểm phòng trừ hiệu quả nhất; nhận biết đặc điểm của các bệnh gây hại trên cây cũng như nắm bắt được các đối tượng thiên địch trên đồng ruộng. Từ đó, nông dân không còn “đánh thuốc” bảo vệ thực vật tràn lan, bừa bãi mà tiến hành phòng trừ dịch hại theo mức độ sâu bệnh, thiên địch ký sinh ở từng giai đoạn.

Tại huyện Phù Cừ, xã Ðình Cao được Ban quản lý dự án quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) tỉnh Hưng Yên lựa chọn xây dựng mô hình IPM trên cây lúa vụ mùa năm 2022. Với tổng diện tích 1ha cùng bốn hộ tham gia, ngay từ đầu vụ các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ kỹ thuật chăm sóc, phát hiện và xử lý sâu bệnh, nhận biết đặc điểm hình thái, phát sinh và gây hại của sâu bệnh cũng như cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “bốn đúng”. Cuối tháng 9, qua kiểm tra, đánh giá diện tích lúa thực hiện áp dụng IPM ở xã Ðình Cao so với diện tích sản xuất ngoài mô hình, năng suất lúa của diện tích áp dụng IPM cao hơn 3 tạ/ha, mật độ sâu, tỷ lệ bệnh gây hại lúa thấp hơn; người dân giảm được hai lần phun thuốc bảo vệ thực vật, lượng thuốc sử dụng cũng giảm đi rất nhiều. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cao hơn 8,6 triệu đồng/ha.

Tập trung phòng dịch hại, nâng cao sức khỏe cây trồng

IPHM (Integrated Plant Health Management) là hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể về: đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm những tác động gây bất lợi cho cây trồng và phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Nền tảng của IPHM chính là IPM. Ðiểm khác biệt giữa hai chương trình chủ yếu nằm ở cách tiếp cận. Cụ thể, IPM muốn kiểm soát dịch hại, lấy đó làm cơ sở để bảo vệ cây trồng, biện pháp của IPM nhấn mạnh đến trừ dịch hại. Trong khi đó, IPHM muốn nâng cao sức khỏe cây trồng, biện pháp của IPHM chủ yếu hướng vào việc phòng dịch hại.

Mục tiêu của IPHM là bảo đảm sức khỏe cây trồng, nâng cao được giá trị sản phẩm trồng trọt, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng đa dạng sinh học;xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp với nhiều vấn đề quan trọng như sức khỏe đất, nước, phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả vật tư sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho nông dân về sức khỏe cây trồng; nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trang bị và cập nhật kiến thức từ khâu sản xuất đến thương mại nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật. Cách tiếp cận IPHM được đánh giá là phù hợp với sản xuất nông nghiệp trong tình trạng biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác công tư (PPP) theo định hướng của Việt Nam hiện nay. Dựa trên nền tảng và những kết quả đã đạt được từ chương trình IPM, ngành nông nghiệp đang xây dựng lộ trình phát triển IPHM ■

Ngày 23/9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 3592/QÐ-BNN-BVTV phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2030. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương có thể triển khai chương trình IPHM hiệu quả, trên diện rộng. Theo đó, sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và cộng đồng về IPHM. Xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực IPHM. Ðào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực IPHM. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi tỉnh có ít nhất năm giảng viên IPHM quốc gia, 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; mỗi xã có ít nhất hai hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và năm nông dân IPHM nòng cốt. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM vào trong sản xuất.

Theo Nhandan