Thứ sáu,  20/09/2024

Mô hình “Sữa học đường”: Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ vùng khó

– Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bắt đầu từ năm 2022, Chi bộ Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh lựa chọn và triển khai mô hình “Sữa học đường” tại 12 trường mầm non, tiểu học, trong đó chủ yếu ở địa bàn khó khăn trong tỉnh. Theo đó, trên 10.000 hộp sữa đã được trao tặng cho học sinh mầm non, tiểu học của các trường.

Từ năm 2022 đến nay, cứ vài ngày trong tháng, học sinh Trường Mầm non Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn được uống thêm sữa hộp, góp phần cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng cho các em. Em Vi Ngọc Khánh Ngân, lớp 4 tuổi, Trường Mầm non Quảng Lạc cho biết: Buổi sáng đến lớp, con được các cô cho uống sữa hộp rất ngon. Hôm nào con cũng muốn được uống sữa hộp.

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao sữa cho Trường Mầm non xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan

Theo tìm hiểu của phóng viên, Trường Mầm non Quảng Lạc hiện có hơn 280 học sinh, trong đó có khoảng 20% học sinh suy dinh dưỡng ở thể thấp còi và nhẹ cân. Trong trường còn nhiều em thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để góp phần cùng nhà trường chăm lo tốt hơn cho các em, Chi bộ Hội CTĐ tỉnh đã triển khai mô hình “Sữa học đường” tại đây từ năm 2022. Kinh phí thực hiện mô hình được vận động từ các đảng viên và quần chúng trong cơ quan. Để mô hình có thể duy trì lâu dài và hướng đến nhiều đối tượng, chi bộ đã kết nối, vận động Công ty Sữa Nutifood Việt Nam cam kết đồng hành cùng thực hiện mô hình. Trung bình mỗi quý 1 lần, chi bộ tặng sữa cho học sinh nhà trường. Đến nay, hơn 4.000 hộp sữa đã được chi bộ trao cho học sinh toàn trường với trị giá gần 40 triệu đồng. Sau 1 năm triển khai, số trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thấp còi, nhẹ cân của trường đã giảm xuống còn 15%.

Từ mô hình được triển khai hiệu quả ở Trường Mầm non Quảng Lạc, đến nay, Chi bộ Hội CTĐ tỉnh đã nhân rộng đến 11 trường mầm non và tiểu học khác tại địa bàn khó khăn thuộc 4 huyện (Văn Quan, Tràng Định, Cao Lộc, Văn Lãng) và thành phố Lạng Sơn. Theo đó đã có trên 10.000 hộp sữa với tổng trị giá trên 80 triệu đồng được trao đến tay các học sinh mầm non, tiểu học của các trường. Bà Trần Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc cho biết: Nhà trường hiện có 222 trẻ thì có 30 trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và 50 trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Mô hình “Sữa học đường” do Chi bộ Hội CTĐ tỉnh triển khai từ tháng 12/2022 đã góp phần cùng nhà trường bổ sung dinh dưỡng cho học sinh nói chung, trẻ suy dinh dưỡng nói riêng.

Trên thực tế toàn tỉnh hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chính vì lý do đó, Chi bộ Hội CTĐ tỉnh xác định công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là việc quan tâm, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ là rất cần thiết. Đồng thời, hưởng ứng cuộc phát động thực hiện mô hình “Dân vận khéo” của Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh, Chi bộ Hội CTĐ tỉnh đã lựa chọn mô hình “Sữa học đường” để triển khai thực hiện.

Bà Nông Bích Thuận, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Để thực hiện mô hình, mỗi đảng viên trong chi bộ đã đóng góp 100.000 đồng/tháng, quần chúng đóng góp 50.000 đồng trở lên/tháng. Chúng tôi cũng kết nối, vận động sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng đồng hành để có nguồn lực duy trì mô hình lâu dài. Trong thời gian tới, chi bộ sẽ tiếp tục triển khai những mô hình khác phù hợp nhằm làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, có hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua mô hình “Sữa học đường” đã giúp trẻ vùng khó, đặc biệt là học sinh thấp còi, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng, góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ cho thế hệ mầm non tương lai.

ĐĂNG THÙY