Thứ sáu,  20/09/2024

Linh hoạt, sáng tạo các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh

– Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”, trong hai năm qua (giai đoạn 2 của Đề án) ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã triển khai đa dạng, linh hoạt các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh ở hai cấp học này.


Học sinh Trường Tiểu học xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng thi kể chuyện theo sách

Từ năm 2016, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 12/7/2016 về thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025”. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 (2016 – 2020), chất lượng học tiếng Việt của trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực. Theo thống kê hằng năm, 100% trẻ DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non đều được tăng cường tiếng Việt, có trên 99% trẻ mầm non ra lớp được đánh giá đạt mục tiêu phát triển ngôn ngữ theo độ tuổi; 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra trường nhận biết và phát âm đúng các chữ cái tiếng Việt. Đối với cấp tiểu học, hằng năm, tỉ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn tiếng Việt luôn đạt trên 99%.

Bước vào giai đoạn 2 của Đề án (2021 – 2025), Sở GD&ĐT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai các văn bản chỉ đạo. Đồng thời, chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cụ thể hóa kế hoạch phù hợp với đặc điểm đơn vị mình. Theo đó, các đơn vị đã tổ chức các hoạt động, cũng như triển khai những cách làm hay, sáng tạo để tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt cho trẻ.

Linh hoạt các giải pháp

Hiện nay toàn tỉnh có 232 cơ sở giáo dục có bậc học mầm non và 249 cơ sở có bậc học tiểu học. Với đặc thù học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm đa số trong các trường học, do đó để các em có thể nói tiếng Việt thành thạo từ khi còn nhỏ, ngành giáo dục tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, lồng ghép nhiều giải pháp giảng dạy tiếng Việt. Các trường đã chủ động xây dựng chuyên đề về dạy học tiếng Việt, dạy học tích hợp cấp tổ, cấp trường, lựa chọn các nội dung tích hợp tiếng Việt để thực hiện phù hợp với điều kiện của nhà trường và việc dạy học tích hợp đã được thể hiện trên giáo án, trong các tiết học và các hoạt động giáo dục.

Cụ thể, hiện nay, các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn cơ bản đều thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày. Trong chương trình học, các hoạt động tăng cường tiếng Việt được thực hiện thông qua các hình thức: Tích hợp trong giờ học chính khóa thường rèn các kĩ năng như trả lời, trình bày, kể chuyện, sắm vai, trò chơi. Ngoài ra còn tích hợp trong hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm thông qua các hoạt động như sinh hoạt dưới cờ; tiết đọc thư viện, ngày hội đọc sách… Việc tổ chức cho học sinh được tham gia giao lưu Ngày hội tiếng Việt của chúng em được 100% trường triển khai thực hiện hằng năm mang lại hiệu quả thiết thực.

Cùng với đó, để tạo môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ, học sinh, các trường còn tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm tạo cơ hội cho học sinh rèn kỹ năng trình bày, nói, thuyết trình trước đông người; thành lập các câu lạc bộ tiếng Việt; tổ chức giao lưu câu lạc bộ tiếng Việt cấp cụm trường; tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh dân tộc thiểu số tại điểm trường lẻ; tổ chức ngày Hội kể chuyện theo sách, trưng bày vở sạch, chữ đẹp cho học sinh, giáo viên… qua đó, tạo phong trào đọc sách trong nhà trường, giúp học sinh thường xuyên được tiếp cận và giao tiếp bằng tiếng Việt.

Em Hoàng Yến Phi, học sinh lớp 3A1, trường Tiểu học xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng cho biết: Trong năm học, nhà trường tổ chức khá nhiều hoạt động để khuyến khích chúng em đọc sách cũng như rèn luyện khả năng thuyết trình. Như trong tháng 4/2023, chúng em được tham gia ngày hội văn hóa đọc để đọc sách, đọc truyện, thi kể chuyện theo sách, nhờ đó mà chúng em ghi nhớ và nói tiếng Việt lưu loát hơn.

Nổi bật trong các hoạt động tăng cường tiếng Việt đó là năm 2022, Sở GD&ĐT tỉnh đã tổ chức thành công hội thi giao lưu Ngày hội tiếng Việt của chúng em với sự tham gia của 11 đội (88 học sinh dân tộc thiểu số khối 1, 2, 5 các điểm trường lẻ). Hội thi đã góp phần nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt, bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học, tạo sân chơi bổ ích và lý thú, giúp học sinh thực sự được giao lưu, chia sẻ vốn tiếng Việt và kinh nghiệm sử dụng tiếng Việt trong học tập cũng như trong ứng xử hằng ngày.

Song song với đó, các phòng GD&ĐT cũng đôn đốc các trường khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thư viện ngoài trời, tạo không gian đọc cho học sinh với nội dung giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, từng đối tượng. Đặc biệt, một số phòng GD&ĐT đã phối hợp với Thư viện tỉnh, cấp huyện tổ chức các hoạt động “Thư viện lưu động đa phương tiện”, tổ chức các gian hàng giới thiệu, trưng bày sách, phục vụ đọc sách miễn phí hoặc quyên góp, ủng hộ cho thư viện các nhà trường. Đây cũng là một trong các giải pháp thiết thực, phù hợp trong việc tạo môi trường tiếng Việt để học sinh có cơ hội và hình thành thói quen, văn hóa đọc cho học sinh, củng cố và hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số học tốt môn tiếng Việt.

Tìm hiểu được biết, để thực hiện hiệu quả Đề án trong giai đoạn 2, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các trường tổ chức dạy học linh hoạt; thường xuyên tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên và những người xung quanh; tổ chức các buổi đọc sách, thi kể chuyện, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”… Ngoài công tác chuyên môn, Sở GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học đẩy mạnh công tác tham mưu cho chính quyền các huyện, thành phố tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu phục vụ dạy, học tiếng Việt cho trẻ, học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Nhiều cách làm sáng tạo

Trên địa bàn tỉnh còn những điểm trường có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Dao hoặc đa số đều là dân tộc Dao, Mông, các em nói tiếng Việt chưa sõi nên gây khó khăn trong giao tiếp giữa cô với trò. Trước thực tế này, một số phòng GD&ĐT đã chỉ đạo mở các lớp dạy tiếng dân tộc cho giáo viên. Từ đó giúp giáo viên biết và hiểu tiếng dân tộc để giao tiếp ban đầu với học sinh, dần dần giúp các em chuyển từ giao tiếp tiếng dân tộc sang sử dụng tiếng Việt một cách hiệu quả.

Đơn cử như tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học và trung học cơ sở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, đều đặn 2 buổi/tuần, các cô giáo của trường được các phụ huynh dạy tiếng Dao. Cô Trần Thúy Nga, giáo viên của trường cho biết: Đặc thù của trường là có tới 100% học sinh là người Dao, các em rụt rè, ít nói, ngại giao tiếp. Khi nhà trường mở lớp mời phụ huynh dạy tiếng Dao, tôi đã đăng ký. Nhờ đó, tôi đã học được những câu giao tiếp đơn giản và vận dụng vào giao tiếp, giảng dạy học sinh, giúp các em vượt qua trở ngại ngôn ngữ và tham gia giao lưu, nói chuyện bằng tiếng Việt, tự tin nói tiếng Việt nhiều hơn, tốt hơn.

Tương tự, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bắc Ái 1, xã Đề Thám, huyện Tràng Định, để tăng cường Tiếng Việt cho học sinh, nhà trường đã có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, khuyến khích cha mẹ sử dụng song song cả 2 ngôn ngữ là tiếng dân tộc và tiếng Việt với con em mình. Đồng thời, nhà trường cũng chỉ đạo các giáo viên xây dựng kế hoạch cụ thể chương trình soạn giảng, dạy học theo hướng phân hóa đối tượng, phát huy tính tích cực của học sinh. Cô Nông Thị Tuyền, giáo viên dạy lớp 1 của trường cho biết: Trong lớp tôi cũng phân hóa đối tượng để sử dụng phương pháp dạy cho phù hợp. Chẳng hạn tại lớp học có một số học sinh ít tập trung thực hiện các hoạt động do giáo viên tổ chức. Để tăng cường tiếng Việt, tôi phân tích thế mạnh của các em và trên cơ sở đó tăng cường giao việc luyện nói, kể chuyện, thuyết trình để các em tham gia các hoạt động này nhiều hơn là việc luyện viết.

Với việc triển khai đa dạng, linh hoạt, sáng tạo các cách làm, đến nay 100% trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh đều được tăng cường tiếng Việt với các hình thức phù hợp theo từng độ tuổi, từng đối tượng. Nhờ đó, trong 2 năm qua, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt trên 99%. Riêng với bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày năm học 2022 – 2023 đạt 98,88% (cao hơn 3,58% so với năm học trước), tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt môn tiếng Việt đạt 59,26% (tăng 4,46% so với năm học trước), tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành môn tiếng Việt giảm 0,08% so với năm học trước. Chất lượng môn tiếng Việt đã có những chuyển biến tích cực, nhiều học sinh đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp tiếng Việt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, khó khăn về giao tiếp bằng tiếng Việt chính là rào cản lớn nhất của các trẻ, học sinh vùng dân tộc thiểu số khi đến trường. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học từ cấp mầm non đến tiểu học thực hiện linh hoạt, sáng tạo các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ, học sinh; chỉ đạo các trường chú trọng thiết kế môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tạo điều kiện cho trẻ, học sinh nhận biết và phát âm tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi bằng cách gắn chữ cái lên các đồ chơi, đồ dùng; tổ chức xây dựng không gian phòng học tại các lớp với nhiều chữ viết tiếng Việt để học sinh có nhiều cơ hội đọc, viết tiếng Việt, giúp các em có cơ hội và thuận tiện trong việc kết nối sử dụng tài liệu tiếng Việt trong học tập.

Cùng đó, để Đề án được thực hiện hiệu quả, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả đề án. Trong đó, thường xuyên kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng thời phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo tại các đơn vị, các cơ sở giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo các trường tăng cường tổ chức các hội thi, hoạt động lồng ghép vui chơi gắn với học tiếng Việt để các em tự tin nói tiếng Việt, hứng thú tham gia các hoạt động chung của lớp, của trường.

HOÀNG TÙNG – PHƯƠNG DUNG