Thứ sáu,  20/09/2024

Nhiều mô hình thu hút người tham gia “lưới” an sinh

Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, thời gian qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia. Sáu tháng đầu năm 2023, số người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được duy trì và tăng trưởng, góp phần ngày càng quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.

Ra mắt mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. (Ảnh TRUNG TÂM)

Ra mắt mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. (Ảnh TRUNG TÂM)

Để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ trong sáu tháng cuối năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 cả ba khu vực bắc, trung, nam; yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố xây dựng “kịch bản” chi tiết, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu về phát triển người tham gia toàn diện, linh hoạt, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn và đặc thù mỗi địa phương…

Tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 tại các tỉnh phía bắc tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên, Trưởng ban Thu-Sổ, thẻ Dương Văn Hào cho biết: Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia, trong đó, tập trung vào 4 nhóm giải pháp chiến lược, bao gồm: Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương; hỗ trợ thêm mức đóng; rà soát để xác định đối tượng tiềm năng; tổ chức khai thác phát triển người tham gia.

Từ những giải pháp nền tảng đó, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ: Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thường xuyên làm việc với Ủy ban nhân dân các xã, phường để rà soát số người chưa tham gia, tổ chức hội nghị khách hàng, phát triển người tham gia; phối hợp với tổ chức dịch vụ thu tổ chức hội nghị khách hàng để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; tích cực rà soát, xác minh tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng chú trọng khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu về doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục Thuế cung cấp để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; phối hợp các đơn vị có liên quan khai thác, sử dụng có hiệu quả dữ liệu người chưa tham gia trên địa bàn phục vụ cho công tác khai thác, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Tại Hội nghị khu vực phía nam, đại diện Bảo hiểm xã hội một số địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay về phát triển người tham gia, đặc biệt là một số mô hình thu hút người lao động tự do vào hệ thống an sinh. Theo đó, nhiều địa phương đã sáng tạo, triển khai hiệu quả các mô hình phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như: “Phụ nữ tiết kiệm nuôi heo đất mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình”, “Hùn vốn mua thẻ bảo hiểm y tế”, “Biến rác thải thành thẻ bảo hiểm y tế” đã thu hút đông đảo người tham gia. Các mô hình xã hội hóa đã vận động được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ, tặng sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện, thẻ bảo hiểm y tế cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, thông qua các mô hình, việc truyền thông, vận động trực tiếp người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hình thức tổ, nhóm nhỏ tới từng hộ gia đình được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả cao và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Tại tỉnh Bến Tre, mặc dù ra mắt chưa tròn một năm song đến nay, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” đã được nhân rộng tại 403 tổ phụ nữ với gần 4.300 người, trong đó có 1.679 thành viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt xa mục tiêu ban đầu mà cơ quan Bảo hiểm xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề ra.

Mô hình “Ve chai” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã trao gần 5.000 thẻ bảo hiểm y tế cho gia đình hội viên khó khăn với tổng số tiền hàng tỷ đồng; mô hình “Giúp nhau mua bảo hiểm y tế trả góp” tại tỉnh An Giang đã hỗ trợ hàng nghìn chị em phụ nữ tham gia bảo hiểm y tế…

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành đề ra, tại Hội nghị các khu vực, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh cần xác định tiềm năng và thế mạnh của địa phương để xây dựng kịch bản phát triển người tham gia phù hợp tình hình thực tế.

Bảo hiểm xã hội các địa phương thường xuyên trao đổi, học hỏi các mô hình, cách làm hay để áp dụng vào địa phương mình. Bên cạnh đó, các vụ, ban nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi, theo dõi, đôn đốc, kịp thời đề xuất, tháo gỡ vướng mắc để Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện hiệu quả các nội dung theo hướng dẫn.

Thảo luận và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, đại diện các địa phương đều tập trung vào việc tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để nâng cao nhận thức của người dân; phân tích, phân loại từng nhóm đối tượng theo từng địa bàn tại các xã, phường, thị trấn và xây dựng kịch bản, triển khai các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp từng nhóm đối tượng tiềm năng; tiếp tục phát triển, mở rộng mạng lưới Tổ chức dịch vụ thu và giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng tổ chức dịch vụ thu; học hỏi nhân rộng những mô hình hay, cách thức thực hiện hiệu quả trong công tác phát triển người tham gia phù hợp với tình hình của địa phương…

Nguồn:https://nhandan.vn/nhieu-mo-hinh-thu-hut-nguoi-tham-gia-luoi-an-sinh-post761572.html

Theo nhandan.vn