Sinh ra và lớn lên trong từng hơi thở của nghệ thuật âm nhạc, bà Đồ Huỳnh Thị Mỹ Lý (sinh năm 1954, quê TP Hồ Chí Minh) lại chọn cho mình con đường thư pháp – loại hình nghệ thuật đặc sắc và mang đậm chiều sâu văn hoá dân tộc Việt Nam.

May mắn gặp được bà Đồ Mỹ Lý trong triển lãm thư pháp “Tâm Thanh Tâm Hoạ” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám diễn ra trong tháng 8 vừa qua. Hơn 100 tác phẩm chữ Quốc ngữ do bà và nhà thư pháp Lưu Thanh Hải chắt lọc, tuyển chọn từ những sáng tác trong nhiều năm qua.

Dù đến với thư pháp khi đã bước sang tuổi 50 nhưng bút pháp của bà cho thấy sự mạnh mẽ, tràn đầy sinh khí, các đường nét chắc khoẻ, đa phần khởi bút “trắc phong” tạo nét vuông vức, góc cạnh đã đem đến cho công chúng những tác phẩm vô cùng ấn tượng.

Bà Đồ chở “hồn” thư pháp tới Thủ đô

 Bà Đồ Mỹ Lý – Người chở “hồn” thư pháp từ Sài Thành lên “Phố” ông Đồ. 

Nghiệp duyên chữ thư pháp 

Bà Mỹ Lý cho biết, ngay từ nhỏ, bà đã được sinh ra trong gia đình có 5 đời làm âm nhạc đều là nghệ sĩ tài danh, uy tín và có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực sân khấu và âm nhạc.

Ông nội bà là soạn giả Huỳnh Thủ Trung (Nghệ danh Tư Chơi) từng được ví là “vì sao sáng chói nhất trên bầu trời nghệ thuật sân khấu cải lương thời kỳ đầu”.  Bà nội là nghệ sĩ Kim Thoa, người sáng lập ra cải lương Kim Thoa nức tiếng một thời TP Hồ Chí Minh.

Cha bà là nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu – tay trống đệ nhất Đông Dương nổi danh với ca khúc “Tiếng đàn trong gió đông”. Rồi đến chồng bà nghệ sĩ Nguyễn Văn Chốt, em trai là nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh, họ đều được coi là những cây guitar cự phách, đồng thời là người hòa âm, sản xuất âm nhạc có tiếng.

Bà Đồ chở “hồn” thư pháp tới Thủ đô
 Rất đông du khách bày tỏ sự thích thú khi thấy bà Mỹ Lý viết thư pháp. 

Tuy nhiên, bà Mỹ Lý lại lấy âm nhạc thành nền tảng hài hoà với thư pháp, tạo nên những bút tích vừa có hồn, vừa có nhạc. Từng nét chữ mềm mại, uyển chuyển đều ẩn chứa cả một thế giới âm nhạc, mang tới “làn gió mới” trong giới thư pháp.

Bén duyên với nghiệp thư pháp vào năm 2003, khi có cơ duyên tới thăm triển lãm 100 chữ mẹ do Câu lạc bộ nghệ thuật người Hoa tổ chức. Như có một sự lôi cuốn khó thoát, bà đã không thể rời mắt khỏi thư pháp chữ Mẹ của họa sĩ Trần Văn Hải. Bỏ qua những mặc cảm, tự ti về tuổi tác, bà đã xin theo học thư pháp với họa sĩ Trần Văn Hải.

Một đời trọn vẹn nghĩa tình với thư pháp

Bà Mỹ Lý cho hay, thư pháp từ lâu trở thành một môn nghệ thuật thể hiện tâm tư, tình cảm của con người chứa đựng giá trị truyền thống con người, mang tính chất giáo dục về đạo đức, nhân sinh quan trong cuộc sống. Một tác phẩm thư pháp đẹp, có chiều sâu phải chứa đựng thông điệp của người viết và tính mỹ thuật của chữ viết, qua nét chữ, hình thức trình bày, hình dáng câu chữ, màu sắc

Theo bà Mỹ Lý, từ khi chữ viết ra đời thì nghệ thuật viết chữ thư pháp bắt đầu được thịnh hành và có 3 lớp chính: văn hoá bản địa, văn hoá giao lưu với Trung Quốc và văn hoá giao lưu với phương Tây. Ứng với mỗi lớp văn hoá đó lại xuất hiện một văn tự, xuất hiện các chữ viết khác nhau dẫn đến nghệ thuật viết chữ cũng khác.

Bà Đồ chở “hồn” thư pháp tới Thủ đô
 Trong từng nét chữ của bà đều có hồn và có nhạc do được thừa huởng từ gia đình ngay từ nhỏ.

“Chúng ta có một sự phong phú so với các quốc gia khác là thư pháp Việt, có hai loại văn tự song hành là vừa chữ Hán, vừa chữ Quốc ngữ. Trong lớp Hán thì chúng ta còn xuất hiện chữ Nôm nên được gọi là thư pháp Hán Nôm cộng với thư pháp Quốc ngữ ngày nay”, bà Mỹ Lý nhấn mạnh.

Bà Mỹ Lý cũng chia sẻ thêm, trong thư pháp có câu khá hay: giấy một núi, bút một rừng, mực một ao và nhẫn ngàn chữ thì mới có thể viết thư pháp được, đòi hỏi người học, người viết phải kiên nhẫn.

Đối với thư pháp, người ta thường gọi là “văn phòng tứ bảo” là 4 cái bảo vật trong phòng văn. Văn phòng tứ bảo bao gồm: bút lông, mực, nghiên mực và giấy viết. Đây là những vật dụng không thể thiếu trong thư phòng của người viết thư pháp. Trong đó, bút lông là dụng cụ quan trọng nhất, được ví như người bạn tri kỷ của người viết thư pháp. Ngoài các dụng cụ chính, các vật dụng hỗ trợ cho người viết rất đa dạng như giá treo bút, gác bút, mực nước, mực màu…

Những nét bút múa lượn, tinh xảo, trau chuốt thể hiện tính cách và khí chất của một con người. Có câu “Học tập thư pháp là khả dĩ tu thân, dưỡng tính, đà dã tâm tình”, nghĩa là sửa lòng mình, nuôi dưỡng những tính cách tốt đẹp của mình và đặc biệt truyền tải những tâm tư, tình cảm của mình đến những người nhận.

Bà Đồ chở “hồn” thư pháp tới Thủ đô
Bà Mỹ Lý tại triển lãm “ Truyền Kinh Chính Học” năm 2019, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. 

Nghệ thuật thư pháp chính là nơi những nghiên mực, bút lông tạo nên những khoảng lặng trong tâm hồn, giúp chúng ta bình yên với hoài niệm và truyền thống. Mặc dù thời vàng son của thư pháp đã qua nhưng những con người đam mê thư pháp như bà Đồ Mỹ Lý vẫn đang ngày ngày học tập và trau dồi con chữ để làm đẹp hơn loại hình nghệ thuật truyền thống của người Việt.

Từ năm 2010 đến nay, thư pháp của bà Đồ Mỹ Lý đã có mặt ở rất nhiều cuộc triển lãm thư pháp trong nước và quốc tế, được các nhà chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá cao cả về ý tưởng sáng tạo lẫn bút pháp nghệ thuật.

Có thể thấy, sự gắn bó của bà Đồ Mỹ Lý không ngắn cũng không dài nhưng đã thể hiện rõ: Thư pháp là một loại hình nghệ thuật thú vị và mang đậm chiều sâu văn hoá. Bà tìm hiểu thư pháp không chỉ đơn giản là tìm hiểu về bản sắc văn hoá dân tộc mà nó còn cho thấy rằng sức sống mãnh liệt của thư pháp trong tương lai, truyền tải tới các thế hệ mai sau”.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ba-do-cho-hon-thu-phap-toi-thu-do-741188