Thứ hai,  08/07/2024

Thúc đẩy sự quan tâm trẻ em gái trong cộng đồng

– Thời gian qua, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động thiết thực.


Cán bộ Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bình Gia tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái và phụ huynh xã Vĩnh Yên

Ngày 11/10 hằng năm được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế trẻ em gái với mục đích nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về bình đẳng giới trong các lĩnh vực như: giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực, để trẻ em gái không bị tảo hôn. Năm 2023, Ngày Quốc tế trẻ em gái có chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Toàn tỉnh hiện có trên 200.000 trẻ em, trong đó có gần 47% là trẻ em gái. Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cùng một số vấn đề nổi cộm của trẻ em trong xã hội hiện nay như: xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bạo lực học đường… các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện các hoạt động như: tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh ngăn chặn lựa chọn giới tính khi sinh; đa dạng các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là trẻ em gái; biểu dương các gia đình sinh con một bề gái…

Cụ thể, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung tuyên truyền thực hiện các quy định của Luật Trẻ em; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái. Ông Lô Tiến Vinh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội – Trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trước thực trạng về tình hình trẻ em trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo sở thực hiện các biện pháp đa dạng hình thức, nâng chất lượng công tác tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng. Từ năm 2022 đến nay, chúng tôi tổ chức 5 hội nghị truyền thông kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em cho trên 3.000 trẻ em; phối hợp tổ chức thành công Hội thi Đội tuyên truyền “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” tỉnh Lạng Sơn năm 2022…

Cùng đó, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) tỉnh đã chỉ đạo phòng dân số các huyện, thành phố tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nâng cao nhận thức, xoá bỏ quan niệm “trọng nam, kinh nữ”; tuyên truyền các văn bản pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Từ năm 2022 đến nay, ngành dân số tỉnh đã tổ chức tuyên truyền về bình đẳng giới tại các trường học được trên 120 cuộc cho trên 14.000 lượt người nghe; thăm 8.600 hộ dân để tuyên truyền về nguyên nhân và hệ luỵ của mất cân bằng giới. Đặc biệt, vào tháng 6/2023, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị biểu dương gia đình tiêu biểu sinh hai con một bề, trong đó đã biểu dương 11 gia đình đến từ 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh sinh hai con một bề là gái, con cái chăm ngoan, học giỏi, gia đình hạnh phúc…

Chị Phạm Thị Kim Thành, thôn Bản Nhang, xã Liên Hội, huyện Văn Quan cho biết: Dù sinh 2 con một bề là gái nhưng vợ chồng tôi từ lâu đã không còn giữ quan niệm sinh con trai để “nối dõi tông đường”. Thay vào đó, chúng tôi động viên nhau cần tạo điều kiện tốt nhất để các con được chăm sóc, học tập trong môi trường tốt nhất và động viên các con tích cực học tập, tham gia các hoạt động, các phong trào. Hiện, cả 2 con gái của tôi đều học tập tốt, là sinh viên, học sinh tiêu biểu của trường.

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng trên địa bàn tỉnh ngày càng được chăm sóc, quan tâm, bảo vệ tốt hơn. Đơn cử năm 2022, 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế (tăng 6,1% so với năm 2021); 100% trẻ em thuộc đối tượng quy định đều được hưởng trợ cấp thường xuyên… Trong tháng 9 đầu năm 2023, toàn tỉnh có 6.298 trẻ mới sinh, trong đó trẻ nam là 3.352, trẻ nữ là 2.946 (tỷ số giới tính khi sinh 113,8/100, giảm 0,3 điểm % so với cùng kỳ năm 2022).

Đảm bảo cho trẻ em gái phát triển toàn diện, bình đẳng

Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em gái phát triển bình đẳng, toàn diện, các cấp, ngành có nhiều hoạt động thiết thực hướng đến trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng. Qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo cho trẻ em gái có cuộc sống an toàn, phát triển mọi mặt.

Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: “Thúc đẩy bình đẳng giới qua các mô hình thiết thực”.

Với vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, chúng tôi xác định công tác vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó các cấp hội đã đa dạng hình thức tuyên truyền, xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả hàng trăm mô hình của các cấp hội về bình đẳng giới như: “Thôn an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Phụ nữ chung tay phòng, chống bạo lực gia đình”; “Nhóm phụ nữ phòng, chống xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội”… Cùng với đó, các cấp hội đã triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “con nuôi của hội”, đến nay hỗ trợ trên 600 trẻ em trong đó có trẻ em gái mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các mô hình góp phần tuyên truyền nâng cao kiến thức, năng lực cho phụ nữ, cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội. 

Ông Hoàng Văn Nguyện, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh: “Trẻ em gái cần được quan tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản, được giáo dục giới tính một cách kỹ lưỡng”.

Việc chăm sóc sức khoẻ, giáo dục giới tính cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái là vấn đề quan trọng, cần được thường xuyên thực hiện. Vì vậy, những năm qua, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đã tích cực tổ chức truyền thông, giáo dục giới tính cho trẻ em gái để các em trang bị những kiến thức cơ bản nhất về chăm sóc, vệ sinh, bảo vệ cơ thể; cung cấp kỹ năng phòng, chống, xử lý trước nguy cơ bị xâm hại tình dục… Từ đó, giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Ngoài ra, để trẻ em gái được giáo dục giới tính trong từng giai đoạn phát triển, bố mẹ nên thường xuyên trao đổi, chia sẻ với con những vấn đề về tâm sinh lý, không nên để con tự tìm hiểu về giới tính, tình dục qua mạng xã hội, internet vì có thể trẻ sẽ học được những kiến thức không đúng và có những hành vi sai lệch.

Em Hoàng Thị Trà My, học sinh lớp 9C, Trường THCS Tô Hiệu, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia: “Mong muốn trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có thêm điều kiện để phát triển về mọi mặt”.

Là trẻ em gái sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, em nhận thấy nhiều bạn gái ở vùng sâu, vùng xa chưa có nhiều điều kiện để phát triển về thể chất và tinh thần, thiếu kiến thức để tự bảo vệ bản thân trước những vấn đề về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, những nội dung xấu độc trên không gian mạng… Bản thân em luôn chủ động tìm hiểu kiến thức thông qua sách, báo; tham gia các buổi ngoại khóa tuyên truyền ở nhà trường. Do đó, em đã trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản để tự bảo vệ bản thân. Trong gia đình, bố mẹ cũng luôn là người định hướng, chia sẻ và đối xử công bằng, bình đẳng giữa em và em trai. Em mong muốn thời gian tới, trẻ em gái ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện, tích cực rèn luyện, phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống, khẳng định giá trị bản thân.

DƯƠNG DUYÊN - DƯƠNG KIM