Thứ hai,  08/07/2024

Giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Tăng trực tuyến, thêm tiện ích

Viên chức bộ phận “một cửa” Bảo hiểm xã hội huyện Cao Lộc hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính

– Thủ tục hành chính (TTHC) ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nhận được sự quan tâm lớn từ phía người dân. Chính vì vậy, nhằm đem lại sự hài lòng cho cá nhân, tổ chức, những năm qua, ngành BHXH tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Hiện nay, cấp tỉnh có 25 TTHC, cấp huyện có 24 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH. Các TTHC tập trung vào những lĩnh vực như cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm tự nguyện; giải quyết hưởng các chế độ BHXH…

Tập trung các giải pháp

Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử luôn được lãnh đạo BHXH tỉnh quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương. Hằng năm, BHXH tỉnh ban hành kế hoạch kiểm soát, cải cách TTHC tại đơn vị, trong đó bao gồm cả việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; chỉ đạo các phòng chuyên môn, BHXH các huyện, thành phố quán triệt, tuyên truyền đến 100% cán bộ, viên chức về tầm quan trọng và các nội dung của thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Ông Hà Đình Hải, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm làm trung tâm phục vụ, BHXH tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, đặc biệt là việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Đồng thời, xác định thực hiện chiến lược chuyển đổi số của ngành cũng như các kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giảm thời gian, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị, cá nhân giao dịch với cơ quan BHXH, nâng cao chất lượng công tác và phục vụ.

Một trong những giải pháp hàng đầu mà BHXH tỉnh quan tâm triển khai đó là việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, 100% TTHC của BHXH ở cả 2 cấp (tỉnh và huyện) đã được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được tích hợp trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam. Để có được kết quả như vậy, hằng năm, lãnh đạo BHXH tỉnh quán triệt đến đội ngũ viên chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến lợi ích của dịch vụ công trực tuyến đến người dân, hỗ trợ cá nhân, tổ chức tạo tài khoản và nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến.

Anh Vi Đức Hoàng, Viên chức tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC của BHXH tỉnh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Mỗi khi có người dân đến giao dịch, tôi đều hướng dẫn họ lập tài khoản và nộp trực tuyến qua dịch vụ công. Điều này giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, chúng tôi đã hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến qua dịch vụ công được 1.242 lượt, tăng hơn 600 lượt so với năm 2022.

Bên cạnh đó, BHXH cũng quan tâm, bố trí đầy đủ nhân lực, vật lực để phục vụ việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, tại bộ phận “một cửa” các cấp, BHXH đã bố trí 2 hoặc 3 cán bộ, viên chức làm việc; bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động tiếp nhận và trả kết quả TTHC như máy tính, máy in, máy Scan, máy tra cứu TTHC điện tử… Đồng thời, hằng năm, BHXH tỉnh cũng thường xuyên cử cán bộ, viên chức tham gia tập huấn về kiểm soát, cải cách TTHC do Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tổ chức; tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng các phần mềm chuyên ngành do BHXH Việt Nam tổ chức. BHXH tỉnh cũng yêu cầu BHXH các huyện, thành phố tiến hành rà soát, đăng ký, gửi danh sách cán bộ, viên chức để cử đi tập huấn nội dung liên quan…

Ngoài ra, BHXH tỉnh đã triển khai hiệu quả ở cả cấp tỉnh và cấp huyện nhiều phần mềm, ứng dụng chuyên dụng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân. Theo đó, trong quản lý nghiệp vụ, mỗi lĩnh vực đều có một phần mềm ứng dụng nhằm đáp ứng yêu cầu tăng tốc độ xử lý công việc, giảm thời gian trong quản lý và thực hiện các nghiệp vụ, các hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, ngoài việc thực hiện nghiệp vụ còn có chức năng kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu có liên quan với nhau, giúp hỗ trợ tốt cho việc quản lý lĩnh vực thu BHXH, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế và giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách BHXH… trong toàn ngành.

Để bổ trợ cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, BHXH các cấp cũng đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại để thực hiện gửi hồ sơ TTHC tại nhà, đến nay toàn tỉnh đã có 82.748 tài khoản được cài đặt thành công để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các dịch vụ công về BHXH, bảo hiểm y tế… Cùng đó, ngành BHXH còn thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ quan thuế để chia sẻ các thông tin về doanh nghiệp; với ngành y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh để sử dụng bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT; với ngành tư pháp trong việc cung cấp thông tin đăng ký kê khai và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tăng hiệu quả, giảm phiền hà

Việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc các lĩnh vực BHXH qua giao dịch điện tử đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Hiện nay, có 98% đơn vị sử dụng lao động đăng ký thực hiện giao dịch điện tử với BHXH. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 55.924 hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua giao dịch điện tử cổng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng VssID trên tổng số 96.874 hồ sơ đã được tiếp nhận cổng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng VssID, đạt 57,72%, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022; đã giải quyết và giải quyết đúng, trước hạn 55.788 hồ sơ, đạt 100% số hồ sơ đã giải quyết.

Trước hết cán bộ, việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử giúp việc lưu trữ hồ sơ được thuận tiện hơn so với tiếp nhận hồ sơ trực tiếp. Bà Phùng Thị Châu, Phó Giám đốc BHXH huyện Cao Lộc cho biết: Khi khai nộp BHXH qua mạng, tất cả các loại hồ sơ, giấy tờ đã thực hiện đều được lưu trữ trên phần mềm của hệ thống. Nếu có nhu cầu tìm kiếm, tra cứu lại thông tin, người dùng chỉ cần đăng nhập vào hệ thống và làm theo trình tự đã được thiết lập. Với phương thức này, cơ quan quản lý bảo hiểm sẽ dễ dàng quản lý hồ sơ, đối chiếu giấy tờ khi cần thiết mà không phải lục lại tủ hồ sơ giấy như trước.

Ngoài việc giảm tối đa thời gian giao dịch của các đơn vị sử dụng lao động và người dân với cơ quan BHXH, giao dịch BHXH điện tử còn hỗ trợ nhiều chức năng tự động thông báo lỗi, giúp hạn chế sai sót khi kê khai. Đặc biệt, có thể xem kết quả giao dịch ngay trên phần mềm giao dịch BHXH điện tử, giảm phiền hà cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động. So với việc giao dịch bằng hồ sơ giấy thì giao dịch điện tử đã đem lại tiện lợi hơn rất nhiều. Một số thủ tục giải quyết chế độ chính sách giảm từ 30 – 50% thời gian so với trước.

Chị Ngô Thị Lụa, thôn Nà Thì, xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình cho biết: Gần đây, tôi đến quầy giao dịch của BHXH huyện làm thủ tục cấp đổi sổ bảo hiểm bị hỏng. Quy trình tiếp nhận hồ sơ được cán bộ thực hiện rất hiện đại, tất cả đều được xử lý trên máy tính. Chưa đầy 10 phút, tôi đã được gửi phiếu hẹn trả kết quả. Ngoài ra, tôi còn được hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công và tải ứng dụng VssID để ngồi nhà cũng có thể nộp hồ sơ TTHC.

Như vậy, với những giải pháp cụ thể, việc thực hiện TTHC lĩnh vực BHXH trên môi trường điện tử đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo sự hài lòng cho cá nhân, tổ chức. Thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng “VssID – BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động bởi thông qua ứng dụng này người dân được hưởng nhiều tiện ích quan trọng như giúp cung cấp thông tin về thẻ BHYT, quá trình tham gia, thông tin hưởng, sổ khám chữa bệnh; cung cấp các tiện ích tra cứu địa chỉ, đường đến cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh BHYT, đơn vị tham gia BHXH; hướng tới thay thế thẻ BHYT, sổ BHXH; tích hợp dịch vụ công; tiện ích thanh toán trực tuyến…

Việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc các lĩnh vực BHXH qua giao dịch điện tử đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Hiện nay, có 98% đơn vị sử dụng lao động đăng ký thực hiện giao dịch điện tử với BHXH. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 55.924 hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua giao dịch điện tử cổng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng VssID trên tổng số 96.874 hồ sơ đã được tiếp nhận cổng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng VssID, đạt 57,72%, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022; đã giải quyết và giải quyết đúng, trước hạn 55.788 hồ sơ, đạt 100% số hồ sơ đã giải quyết.
HOÀNG HIẾU - PHƯƠNG DUNG