Thứ tư,  03/07/2024

Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù: Chính sách nhân văn hỗ trợ người từng lầm lỗi

– Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023 (Quyết định số 22). Đây là chính sách nhân văn, nhằm tạo điều kiện giúp những người lầm lỗi có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Quyết định số 22 là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho người chấp hành xong án phạt tù, thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, giúp người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, tìm kiếm việc làm khi trở về địa phương, từng bước tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Quyết định này quy định 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Cụ thể, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Về phương thức cho vay, đối với người chấp hành xong án phạt tù thì đại diện hộ gia đình đứng tên vay vốn và giao dịch với ngân hàng; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, Ngân hàng CSXH nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.

Từ ngày 10/10 đến nay, các phòng giao dịch ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã cho 38 hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù vay vốn phát triển kinh tế, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao; doanh số cho vay hơn 3,3 tỷ đồng.

Ngay sau khi quyết định được ban hành và có hiệu lực, hệ thống ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị – xã hội làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách mới này đến với Nhân dân, đặc biệt là đến với các đối tượng thụ hưởng. Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh cho biết: Chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nhận ủy thác tuyên truyền về chính sách tín dụng này; phối hợp với Công an tỉnh xây dựng chương trình phối hợp triển khai thực hiện. Cùng đó chi nhánh thực hiện khảo sát nhu cầu vay vốn đến từng đối tượng theo danh sách cơ quan công an cung cấp để làm căn cứ xây dựng kế hoạch vốn…

Theo đó, năm 2023, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh đã ra chỉ tiêu phấn đấu cho 38 hộ vay vốn. Kết quả, từ ngày 10/10 đến nay, các phòng giao dịch ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã cho 38 hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù vay vốn phát triển kinh tế, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao; doanh số cho vay hơn 3,3 tỷ đồng.

Đại diện hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù thực hiện thủ tục vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hành CSXH huyện Chi Lăng

Cụ thể, tại huyện Chi Lăng, hiện có 8 hộ có người chấp hành xong án phạt tù vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế, với tổng dư nợ 600 triệu đồng; huyện Bắc Sơn có 8 trường hợp vay, với tổng dư nợ 750 triệu đồng; huyện Hữu Lũng có 6 trường hợp vay, tổng dư nợ là 500 triệu đồng…

Qua kiểm tra, các trường hợp vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, bước đầu cho thấy triển vọng kinh tế nhất định về các mô hình như: chăn nuôi trâu, bò vỗ béo; trồng rừng…

Bà Nguyễn Thị Lý, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Con trai tôi chấp hành xong án phạt tù từ tháng 11/2022, khi trở về không có việc làm ổn định. Giữa tháng 11/2023 vừa qua, sau khi được tuyên truyền, phổ biến và nắm được chính sách theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, tôi đã làm thủ tục vay 60 triệu đồng để cháu có vốn đầu tư trồng na, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ ngày có các mô hình này, cộng với sự nhắc nhở, khuyên bảo thường xuyên của các thành viên trong gia đình, các đồng chí công an xã, cháu chăm chỉ làm ăn, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Cũng là người được giải ngân nguồn vốn vay trên, anh Sầm Văn Hảo, ở thôn Nà Tủng, xã Nam Quan, huyện Lộc Bình chia sẻ: Nhiều khi nghĩ về quá khứ bản thân tôi cảm thấy mặc cảm (anh chấp hành xong án phạt tù từ tháng 11/2022); thêm nữa, khi trở về tái hòa nhập cộng đồng vốn liếng phát triển kinh tế không có, tôi thấy khá bế tắc. Vừa qua, được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay số tiền 100 triệu đồng, tôi rất phấn khởi. Từ số tiền này, tôi đã đầu tư trồng 6.000 cây keo. Nhờ chăm sóc tích cực, đúng kỹ thuật, đến nay rừng keo của gia đình đang phát triển tốt. Đây là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống.

Có thể nói, Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ như một luồng sinh khí mới, làm điểm tựa giúp những người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện làm lại cuộc đời, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: Thời gian tới, hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người chấp hành xong án phạt tù vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần giảm nguy cơ tái phạm tội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

HOÀNG HUẤN - KIM HUYÊN