Thứ sáu,  05/07/2024

Chuẩn hóa chất lượng đội ngũ công chức đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính

– Những năm qua, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, việc chuẩn hóa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối kiểm soát TTHC các cấp được chú trọng.

Thành viên đoàn kiểm tra của tỉnh (ngồi giữa) hướng dẫn công chức UBND xã Chi Lăng, huyện Tràng Định về nghiệp vụ kiểm soát TTHC

Năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1345/QĐ-UBND về việc kiện toàn công chức đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại cấp tỉnh, đối với cấp huyện, cấp xã, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố phê duyệt và ban hành quyết định; Quyết định số 478/QĐ-UBND về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hệ thống công chức đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với công chức đầu mối tại các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh thì bố trí 2 cán bộ đầu mối (1 lãnh đạo cơ quan; 1 lãnh đạo cấp phòng hoặc công chức có kinh nghiệm công tác ít nhất từ 2 năm trở lên). Với công chức đầu mối cấp huyện, bố trí 2 công chức đầu mối (1 lãnh đạo UBND cấp huyện và 1 lãnh đạo văn phòng HĐND&UBND hoặc công chức có kinh nghiệm công tác ít nhất từ 2 năm trở lên).

Bà Lăng Thị Trịnh, Chánh Văn phòng HĐND&UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Văn phòng đã tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định phân công cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC tại UBND thành phố và chỉ đạo UBND các xã, phường rà soát, phân công và thường xuyên kiện toàn khi có thay đổi. Hiện nay, thành phố có 12 công chức thuộc UBND thành phố, 8 công chức UBND các xã, phường làm cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC, 100% cán bộ đầu mối thành phố có trình độ đại học; 100% cán bộ cấp xã có trình độ trung cấp trở lên.


Công chức Bộ phận “một cửa” huyện Chi Lăng hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến

Bên cạnh việc bố trí đủ số lượng, chất lượng cũng là vấn đề được UBND tỉnh quan tâm. Theo đó, hằng năm, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị cử công chức tham gia các hội nghị tập huấn nghiệp vụ do bộ, ngành trung ương tổ chức; giao Văn phòng UBND tỉnh tổ chức 1 hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ kiểm soát TTHC cho đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối cấp huyện. Song song với đó, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay và phục vụ tốt công tác hiện đại hành chính, các cơ quan, đơn vị cũng khuyến khích công chức đầu mối tham gia các chương trình đào tạo chuyên ngành để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phần mềm trong thực hiện TTHC nhằm phục vụ tốt cá nhân, tổ chức.

Một số nhiệm vụ của công chức đầu mối kiểm soát TTHC

Tham mưu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách TTHC, kiểm soát TTHC theo ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; đề xuất triển khai tập huấn, hướng dẫn, phổ biến văn bản, tài liệu liên quan đến nội dung hoạt động kiểm soát TTHC; giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của cơ quan, đơn vị; phối hợp với các phòng, ban, bộ phận liên quan của cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động kiểm soát TTHC theo quy định; tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện việc tổng hợp, báo cáo về tình hình thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thường xuyên theo quy định hoặc đột xuất khi có yêu cầu; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động kiểm soát TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, hằng năm, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra của tỉnh trực tiếp kiểm tra tại một số cơ quan, đơn vị, đơn cử năm 2023, đã kiểm tra, kiểm tra đột xuất 27 sở, cơ quan ngành dọc, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC. Trong quá trình kiểm tra, các thành viên đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, trực tiếp cầm tay chỉ việc, tháo gỡ vướng mắc cho đội ngũ đầu mối kiểm soát TTHC.

Ngoài ra, nhằm động viên, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC, các cơ quan, đơn vị hành chính trong tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện theo Quyết định 20/2013/QĐ-UBND ngày 31/8/2013 của UBND tỉnh, trong đó có chi phụ cấp cho CBCC đầu mối. Chỉ tính riêng năm 2022 và 2023, Sở Tài chính đã bố trí chi hỗ trợ cho CBCC đầu mối hơn 17 triệu đồng; Sở Khoa học và Công nghệ bố trí hơn 10 triệu đồng… Sự hỗ trợ thiết thực ấy giúp đội ngũ CBCC kiểm soát TTHC thêm động lực, quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ.

Với những giải pháp đã triển khai cùng sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị hành chính, việc chuẩn hóa đội ngũ đầu mối kiểm soát TTHC đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 265 cán bộ, công chức đầu mối kiểm soát TTHC, trong đó, cấp tỉnh có 41 người, cấp huyện có 24 người, 100% đạt chuẩn với trình độ từ đại học trở lên; cấp xã có 200 người, trên 95% có trình độ trung cấp trở lên. Năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cũng như ý thức, trách nhiệm của đội ngũ CBCC đầu mối kiểm soát TTHC ngày càng thay đổi rõ rệt và được nâng lên.

Chị Hoàng Thị Diệp, Chuyên viên Văn phòng HĐND&UBND, cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC UBND huyện Bắc Sơn cho hay: Hằng năm, tôi đều được tham gia các lớp tập huấn về công tác kiểm soát TTHC do Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện tổ chức. Nắm được chủ trương của tỉnh, chỉ đạo của huyện nên tôi luôn chấp hành tốt nhiệm vụ và kỷ luật lao động, đồng thời, tôi không ngừng nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để tham mưu thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC của đơn vị. Trong 3 năm trở lại đây, tôi đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối kiểm soát TTHC cũng đã từng bước nâng cao chất lượng tham mưu công tác kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị, đóng góp vào kết quả chung cải cách TTHC hằng năm của tỉnh. Đơn cử, năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 55 quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh với 745 TTHC (cấp tỉnh có 593 TTHC, cấp huyện có 112 TTHC, cấp xã có 40 TTHC); đã ban hành 14 quyết định phê duyệt danh mục thực hiện cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 73 TTHC, vượt kế hoạch 14 TTHC, tỷ lệ cắt giảm đạt 37%, vượt 7% so với kế hoạch của UBND tỉnh…

Bà Trần Phương Linh, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ – Kiểm soát TTHC, Trung tâm Phục vụ hành chính công (Văn phòng UBND tỉnh) cho biết: Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối kiểm soát TTHC các cấp, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo trung tâm và Văn phòng UBND tỉnh đề xuất UBND tỉnh tăng cường tổ chức cho cán bộ đầu mối đi tham quan, học tập kinh nghiệm, cách làm của các địa phương khác; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC.

HOÀNG HIẾU