Thứ hai,  08/07/2024

Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến: Đột phá năm 2018

(LSO) – Năm 2018 là năm đột phá của Lạng Sơn trong triển khai, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Việc ứng dụng đã tạo môi trường công khai, minh bạch, hiện đại hóa trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ quan, đơn vị hành chính, doanh nghiệp trên địa bàn.

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 13/29 đơn vị triển khai ứng dụng chủ yếu là DVCTT mức độ 2, toàn tỉnh mới triển khai được 14 DVCTT mức độ 3. Các DVCTT mức độ 3 chỉ dừng ở việc triển khai chứ chưa được đưa vào ứng dụng hiệu quả.

Với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC theo hướng công khai, chuyên nghiệp; giảm bớt chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC, UBND tỉnh đã triển khai DVCTT tại địa chỉ http://dichvucong.langson.gov.vn. Ngày 13/12/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 201/KH-UBND “Triển khai DVCTT mức độ 3, 4 và một cửa điện tử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2018 và những năm tiếp theo”. Kế hoạch đề ra mục tiêu: Hết năm 2018 đạt tối thiểu 60% hồ sơ được giải quyết trên hệ thống DVCTT.

Cán bộ thành phố Lạng Sơn tra cứu thông tin TTHC qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” thành phố

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Viễn thông Lạng Sơn triển khai cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 và một cửa điện tử. Nội dung triển khai ứng dụng DVCTT bao gồm: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm DVCTT cho cán bộ có tham gia vào thực hiện giải quyết TTHC trên hệ thống phần mềm; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng DVCTT; tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ.

Kết quả, hết năm 2018, toàn tỉnh có 29 cơ quan, đơn vị (18 sở, ban, ngành; 11 huyện, thành phố; Công ty Điện lực Lạng Sơn) triển khai ứng dụng 3.295 DVCTT, trong đó 2.642 DVC mức độ 2, 607 DVC mức độ 3 và 46 DVC mức độ 4. Trong cả năm, hệ thống DVCTT các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận gần 15.000 hồ sơ TTHC (đạt trên 60% tổng số hồ sơ tiếp nhận), trong đó, đã giải quyết gần 12.000 hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết có 80,5% hồ sơ được trả đúng và trước hạn định. Những đơn vị triển khai, ứng dụng tốt dịch vụ này gồm các sở: Công thương, TT&TT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp; các huyện: Bình Gia, Chi Lăng, Bắc Sơn và thành phố Lạng Sơn.

Ông Liễu Anh Minh, Chánh Văn phòng Sở Công thương cho biết: Năm 2018, lãnh đạo sở cử cán bộ làm đầu mối và chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan chủ động rà soát danh mục, quy trình TTHC, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu, bố trí cán bộ đúng thành phần tham gia tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm. Đến hết năm 2018, sở có 90 DVCTT mức độ 2, 27 DVCTT mức độ 3 và 9 DVCTT mức độ 4. Từ khi ứng dụng, đơn vị đã tiếp nhận giải quyết và trả kết quả trên 60 hồ sơ và 100% hồ sơ được trả đúng, trước hạn.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Sau 1 năm triển khai ứng dụng, hệ thống đã mang lại thuận tiện, tiết kiệm, nhanh chóng, công khai trong giải quyết TTHC. Hệ thống đã phát huy vai trò là nơi cung cấp, tiếp nhận và công khai kết quả giải quyết TTHC của 29 cơ quan, đơn vị hành chính, doanh nghiệp trong tỉnh. Các cá nhân, tổ chức sau khi đăng nhập bằng tài khoản được đăng ký và được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thể thực hiện các dịch vụ hành chính công một cách đơn giản, thuận tiện.

Lạng Sơn phấn đấu hết năm 2019, trên 90% số hồ sơ được tiếp nhận tại các cơ quan, đơn vị hành chính được giải quyết trên hệ thống DVCTT. Để đạt được mục tiêu này, các cấp, ngành tiếp tục tuyên truyền mạnh đến người dân, doanh nghiệp; đảm bảo tốt các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin và vận hành hiệu quả hệ thống phần mềm DVCTT đã trang bị.

MINH ĐỨC