Thứ sáu,  20/09/2024

Giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “4 tại chỗ”: Còn nhiều bất cập

(LSO) – Do một số khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất và yếu tố con người mà thời gian qua, việc thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Nguyên tắc “4 tại chỗ” cho phép việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC được thực hiện ngay tại bộ phận “một cửa” các cấp. Nguyên tắc này nhằm góp phần đảm bảo TTHC được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian của tổ chức, cá nhân; đảm bảo TTHC được giải quyết công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, nhũng nhiễu từ cán bộ, cơ quan hành chính.

Tháng 10/2019, UBND tỉnh phê duyệt 129 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 6 sở (Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giáo dục – Đào tạo, Tư pháp, Nội vụ) giải quyết theo nguyên tắc “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc giải quyết TTHC “4 tại chỗ” còn gặp nhiều khó khăn và chưa hiệu quả. So với mục tiêu của trung ương đề ra (tối thiểu có 20% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, ngành được giải quyết “4 tại chỗ”) thì kết quả này còn thấp, chỉ đạt 7,4% tổng số TTHC của tỉnh (129/1.752 TTHC toàn tỉnh). Đặc biệt trong số TTHC được phê duyệt hoàn toàn là TTHC cấp tỉnh, không có TTHC nào cấp huyện, cấp xã.

Công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận TTHC giải quyết theo nguyên tắc “4 tại chỗ” từ doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng UBND tỉnh phân tích: Có 3 yếu tố chính dẫn đến hạn chế trên. Trước hết, cơ sở vật chất, không gian làm việc tại các bộ phận “một cửa” các cấp còn thiếu thốn, chật chội, không đáp ứng đủ yêu cầu giải quyết “4 tại chỗ”. Thứ hai, để giải quyết “4 tại chỗ” thì đội ngũ cán bộ cần đảm bảo đủ số lượng, có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ để có thể thẩm định, phê duyệt trả kết quả TTHC song thực tế hiện nay, biên chế ngày càng giảm, khối lượng công việc chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhiều, các sở, ngành khó có thể bố trí đúng, đủ cán bộ ra trực giải quyết hồ sơ TTHC tại “một cửa”. Thứ ba là trong số các TTHC được giải quyết “4 tại chỗ”  có những TTHC cần xin ý kiến của các sở, ngành liên quan hoặc kiểm tra, thẩm định tại thực địa chứ không thể thẩm định và phê duyệt tại chỗ.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh, trong số 6 sở giải quyết “4 tại chỗ” chỉ có Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) đảm bảo giải quyết hồ sơ theo nguyên tắc này, 5 sở còn lại không khác mấy cách thức làm việc cũ là chỉ tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC chứ không thực hiện thẩm định, phê duyệt hồ sơ. Về cơ sở vật chất, trung tâm chỉ có thể đáp ứng được một phần cho giải quyết “4 tại chỗ” của các đơn vị. Ông Bùi Đức Trung, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Để giải quyết “4 tại chỗ”, mỗi sở cần có khu vực làm việc riêng. Bên cạnh việc phải có bàn tiếp nhận, trả kết quả còn phải có phòng thẩm định, phê duyệt hồ sơ. Trong khi đó, hiện tại, trung tâm mới chỉ có thể bố trí được 1 phòng làm việc riêng để 6 sở sử dụng chung chứ chưa thể bố trí phòng làm việc riêng cho từng đơn vị.

Sở Tài nguyên và Môi trường có 9 TTHC thực hiện “4 tại chỗ”. Trong thực tế, nguyên tắc này chưa phát huy hiệu quả khi giải quyết. Anh Nguyễn Duy Nam, chuyên viên phụ trách công tác kiểm soát TTHC, Văn phòng sở cho biết: Để giải quyết được “4 tại chỗ” thì sở phải bố trí đủ ê kíp 3 hoặc 4 cán bộ làm việc tại Trung tâm PVHCC. Do công việc chuyên môn nhiều, sở không thể bố trí đủ số lượng gồm cả lãnh đạo và nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai đến trực giải quyết hồ sơ. Hơn nữa, những tháng qua không phát sinh hồ sơ đối với  9 TTHC này nên sở không thể lãng phí nhân sự làm việc “4 tại chỗ” ở “một cửa” tỉnh.

Qua thực tế trên cho thấy, giải quyết TTHC theo nguyên tắc “4 tại chỗ” ở Lạng Sơn còn những khó khăn, bất cập. Thiết nghĩ để nguyên tắc này phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thực chất cho tổ chức, cá nhân, thời gian tới, các cấp, ngành có liên quan cần có những giải pháp thực hiện hóa nguyên tắc “4 tại chỗ”. Trong đó cần chú trọng rà soát, lựa chọn những TTHC có tính khả thi, phù hợp, sát sườn với tổ chức và người dân để đưa ra thực hiện “4 tại chỗ”; tập trung thực hiện nguyên tắc này đối với những TTHC cấp huyện, cấp xã có thời gian giải quyết ngắn ngày, đơn giản, không liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.

MINH ĐỨC