Thứ bảy,  21/09/2024

Cải cách hành chính: Hiệu quả từ xếp loại, đánh giá

LSO- Năm 2014, Lạng Sơn có 5 đơn vị xếp loại xuất sắc, 21 đơn vị đạt kết quả tốt trong thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC). Kết quả này tăng hơn nhiều so với năm 2010. Đây là do Lạng Sơn đã thực hiện tốt việc xếp loại, đánh giá kết quả CCHC các cơ quan, đơn vị.

Từ thực trạng…

Ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng Phòng CCHC, Sở Nội vụ Lạng Sơn cho biết: trước năm 2010, công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện chưa đi vào nề nếp. Thể hiện rõ nhất là các đơn vị ban hành kế hoạch hoặc các văn bản liên quan đến công tác này đều chậm hơn thời gian quy định. Hằng năm, có tới 90% đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện công tác CCHC đến Sở Nội vụ chậm. Nội dung báo cáo sơ sài, không nêu cụ thể 6 nhiệm vụ trọng tâm CCHC…

Nguyên nhân của tình trạng này là do trước năm 2010, cả nước chưa có một công cụ cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC nên không đánh giá được đơn vị nào tốt hay còn hạn chế trong công tác này. Từ đó, chất lượng CCHC chưa cao. Chính vì vậy, việc đưa ra một công cụ xếp loại kết quả thực hiện CCHC là rất cần thiết.

Năm 2010, trong khi cả nước chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng Lạng Sơn đã thực hiện đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện công tác CCHC đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn (quy định tại Quyết định 1787/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của UBND tỉnh).

Việc đánh giá, xếp loại gồm công tác chỉ đạo, điều hành; thông tin, tuyên truyền và kiểm tra CCHC; kết quả thực hiện các nội dung cụ thể của công tác CCHC. Năm đầu triển khai, 100% cơ quan hành chính trong tỉnh tự chấm điểm và gửi kết quả đến Sở Nội vụ thẩm định. Qua xếp loại, cả tỉnh có 3 đơn vị xuất sắc, 15 đơn vị tốt, 14 đơn vị khá trong thực hiện công tác CCHC.

 

Công dân đến giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa”  phường Đông Kinh

… Đến hiệu quả

Năm 2012, Bộ Nội vụ mới chính thức triển khai áp dụng chỉ số CCHC (Par Index). Từ đó đến nay, Lạng Sơn duy trì và thực hiện việc đánh giá, xếp loại công tác CCHC hằng năm.

Với thang điểm 100, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào thang điểm hướng dẫn của tỉnh và tự chấm điểm. Kết quả chấm điểm được gửi về Sở Nội vụ thẩm định. Việc thẩm định được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ. Ngoài căn cứ vào báo cáo, kết quả của các đơn vị, Sở Nội vụ còn căn cứ vào kết quả từ các cuộc kiểm tra thực tế.

Ông Phạm Tuấn Tú cho biết thêm: việc đánh giá xếp loại công tác CCHC thực hiện khá khắt khe. Các lĩnh vực, tiêu chí đều có thang điểm rõ ràng. Chỉ cần một cơ quan ban hành kế hoạch CCHC năm không đúng thời gian quy định thì sẽ bị trừ 0,5 điểm.

Qua 5 năm thực hiện, việc đánh giá, xếp loại CCHC đã đi vào thực chất. Công tác CCHC đi vào nề nếp hơn tại các cơ quan, đơn vị. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị chú trọng thực hiện tốt các lĩnh vực, nội dung, tiêu chí. Trong đó tập trung nâng cao trách nhiệm và thái độ của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là cán bộ liên quan đến quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Theo số liệu từ Sở Nội vụ, năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 25 đơn vị tốt và 12 đơn vị khá; năm 2013 có tới 9 đơn vị trung bình trong công tác CCHC nhưng đến năm 2014 đã có 5 đơn vị đạt xuất sắc, 21 đơn vị tốt, 10 đơn vị khá và không có đơn vị trung bình, yếu. Điển hình trong thực hiện công tác này những năm gần đây là các sở: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Công thương và các huyện: Lộc Bình, Tràng Định, Cao Lộc. Trong 6 tháng đầu năm 2015, 100% sở, ngành, huyện, thành phố ban hành kế hoạch và các văn bản liên quan về CCHC năm 2015 đúng thời gian quy định.

Chị Ngô Thị Vân Thúy, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Cao Lộc cho biết: xếp loại thực hiện công tác CCHC thực sự trở thành công cụ hữu hiệu đo chất lượng CCHC. Do đó, huyện luôn cố gắng thực hiện tốt công tác này nên kết quả chuyển biến theo từng năm. Năm 2010, huyện xếp thứ 6/11 huyện, thành phố. Năm 2014, huyện vươn lên xếp thứ nhất trong 11 huyện, thành phố về công tác CCHC.

Bài, ảnh: MINH ĐỨC