Thứ sáu,  20/09/2024

Kịp thời khống chế, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Xuất hiện vào đầu tháng 2-2019, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan đến 20 tỉnh, thành phố. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch, song hiệu quả vẫn chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Thực tế này đòi hỏi những giải pháp căn cơ, kịp thời để khoanh vùng, dập dịch, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi và ổn định sản xuất.

Kịp thời khống chế, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Công tác phun tiêu độc khử trùng được tiến hành triệt để ở các thôn, xóm tại tỉnh Thái Bình. 

Dịch bệnh tiếp tục lây lan

Là hai địa phương đầu tiên phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), song hiện nay tình hình dịch bệnh tại Hưng Yên và Thái Bình vẫn diễn biến phức tạp, còn phát sinh các ổ dịch mới. Tỉnh Hưng Yên đã công bố dịch tại 31 xã, thuộc chín huyện và thành phố trên địa bàn; 207 hộ chăn nuôi ở 75 thôn buộc phải tiêu hủy hơn 5.600 con lợn bệnh. Cùng với việc phun thuốc khử trùng, tổng vệ sinh khu vực chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, Hưng Yên đã lập 10 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên các trục đường giao thông chính, giáp ranh với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, và TP Hà Nội để chống dịch…

Tại tỉnh Thái Bình, ngay sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên ở huyện Hưng Hà ngày 12-2, chính quyền địa phương đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xét nghiệm, tăng cường hóa chất, kỹ thuật, cán bộ thú y xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống. Dù vậy, dịch vẫn đang lây lan, vượt quá tầm kiểm soát của địa phương, với 24 trong số 35 xã, thị trấn xuất hiện dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống dịch bệnh còn một số bất cập, khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi (Hưng Yên) Lê Xuân Nghĩa, trong thời gian đầu xuất hiện dịch, một số hộ dân vẫn lén lút mua, bán giết mổ, vận chuyển lợn bệnh. Bên cạnh đó, trong quá trình chống dịch, có tình trạng trang bị thiếu quần áo bảo hộ, lực lượng chức năng phải dùng áo mưa mỏng bắt lợn ốm đi tiêu hủy, không bảo đảm an toàn theo quy định. Tại tỉnh Thái Bình, theo phân tích của Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Nguyễn Thanh Tuyền, những ngày qua thời tiết thường xuyên có mưa ẩm cho nên hiệu quả của việc phun thuốc tiêu độc khử trùng bị hạn chế; hộ chăn nuôi thì nhỏ lẻ, lại xen kẹp trong khu dân cư, vì thế công tác phòng, chống dịch rất tốn kém. Ngoài ra, từ khi có dịch, thị trường tiêu thụ thịt lợn giảm sút đáng kể. Trước đây, giá lợn hơi xuất chuồng khoảng 48 nghìn đồng/kg, giờ chỉ dao động từ 38 đến 40 nghìn đồng/kg. Tại huyện Ðông Hưng, chính quyền địa phương lúng túng trong giải quyết việc tiêu thụ đối với đàn lợn chưa nhiễm bệnh, khoảng 90 nghìn con đang ách tắc trong khâu lưu thông, giết mổ vì trong vùng dịch bệnh. Chủ tịch UBND huyện Ðông Hưng Nguyễn Tiến Hưng lo lắng: “Mức hỗ trợ của Trung ương công bố là khoảng 38 nghìn đồng/kg lợn, nhưng tiền chưa thấy đâu, người dân thì ngóng chờ, mong mỏi”. Có những xã như Ðông Ðô, Ðông Kinh, Ðông Cường (Ðông Hưng) phải tiêu hủy số lượng lợn nhiễm bệnh hàng chục tấn, do vậy, việc tìm địa điểm cũng là một bài toán khó cho địa phương và hầu hết đều phải chôn ở các bãi rác tập trung.

Không chỉ ở hai tỉnh nêu trên, TP Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn trong công tác kiểm soát việc vận chuyển lợn từ các địa phương khác về, do địa bàn rộng, lại tiếp giáp với tám tỉnh, có nhiều “đường ngang ngõ tắt”. Hiện, thành phố có khoảng hai triệu con lợn nhưng đến 60% là chăn nuôi nhỏ lẻ, ngoài ra ở các điểm giết mổ lợn tập trung, thành phố mới chỉ cung cấp được 40% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh, cho nên công tác quản lý càng thêm khó khăn. Ở nhiều tỉnh khác, do thiếu lực lượng cán bộ thú y cơ sở, công việc nhiều, mức thù lao rất thấp so với chi phí thực tế, dẫn đến tình trạng ngại hoặc sao nhãng khi tham gia phòng, chống dịch…

Cần giải pháp căn cơ, bền vững

Theo Cục trưởng Thú y Phạm Văn Ðông, vi-rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Hơn nữa, vi-rút này có thể lây lan từ khu vực có dịch sang nơi khác, qua phương tiện vận chuyển…, dẫn đến dịch lan nhanh.

Vì vậy, nếu dịch bùng phát thêm trong thời gian tới sẽ uy hiếp tổng đàn lợn hơn 28 triệu con, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu nhập của gần 2,5 triệu hộ chăn nuôi và nguồn cung – cầu thực phẩm trên thị trường. Hiện, nhiều người chăn nuôi ở các tỉnh có dịch lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”: Vất vả từ bốn đến sáu tháng nuôi được lứa lợn, chuẩn bị xuất chuồng thì lại bị dịch,… chưa kể những khó khăn trong việc giữ vững cơ cấu, tỷ trọng nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường trong điều kiện dịch bệnh chưa được ngăn chặn dứt điểm, nguồn tiền để tái đầu tư và tái đàn đã cạn… Anh Nhữ Văn Hải (ở thôn Tiên Kiều, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, Hưng Yên), chủ trang trại nuôi hơn 1.000 con lợn thịt, lợn nái bộc bạch: Tôi nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, hệ thống chuồng trại đầu tư hiện đại khép kín. Khi dịch xảy ra, gia đình tôi chỉ có một người duy nhất vào trang trại và thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, cấm tuyệt đối không cho ai vào trang trại; lợn không được xuất, nhập nữa, gây thiệt hại về kinh tế…

Ðể ngăn chặn sự lây lan của DTLCP, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), cần kiểm soát được mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, cố gắng thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng để bảo vệ đàn lợn không bị nhiễm dịch. Ðồng thời nên áp dụng phương pháp phân vùng để ngăn chặn sự lây lan của dịch theo diện rộng, khoảng cách xa. Muốn vậy, bên cạnh việc các địa phương trong cả nước tiếp tục thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và các địa phương cần đánh giá lại toàn bộ tác nhân gây bệnh, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân chủ yếu. Tập trung phòng ngừa dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ðồng thời rà soát lại toàn bộ quy trình phòng, chống dịch ở những nơi có dịch, trên cơ sở đó đề ra giải pháp căn cơ hơn. Trong đó có những việc phải làm ngay là phối hợp với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và FAO, các tập đoàn sản xuất thuốc thú y lớn để nghiên cứu, sớm sản xuất được vắc-xin phòng bệnh DTLCP nguy hiểm này.

Trước mắt, cần tuyên truyền sát sao hơn nữa để người dân hiểu về chính sách hỗ trợ, ngăn chặn tình trạng bán tháo lợn bệnh…, không “quay lưng” với thịt lợn. Mặt khác, nên khuyến khích người chăn nuôi tham gia các mô hình xây dựng chăn nuôi lợn khép kín, an toàn sinh học như chuỗi sản xuất thịt lợn của các công ty: GreenFee Việt Nam, Masan, Dabaco, CP… với những vùng dịch bệnh không nên tái đàn trong thời điểm DTLCP đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Cùng với đó, sớm ban hành cơ chế, chính sách bồi dưỡng phù hợp người trực tiếp tham gia chống dịch (làm việc bất kể ngày đêm trong môi trường độc hại…), kịp thời động viên để có sự chủ động, tích cực tổ chức thực hiện, góp phần khống chế sự lây lan của DTLCP. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay, khoanh nợ, giãn nợ đối với những hộ có lợn phải tiêu hủy theo quy định để chủ hộ tiếp tục chăn nuôi, chuyển đổi ngành nghề. Người dân có thể tạm thời chuyển sang nuôi các loại gia cầm song phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ chuồng trại trước khi chăn nuôi.

Theo Nhandan