Thứ bảy,  21/09/2024

“Việt Nam không còn là vùng trũng của giáo dục đại học”


Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên
và Nhi đồng của Quốc hội.

Chúc mừng thành công của Việt Nam khi có hai trường đại học lớn lọt tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) khẳng định, với thành tựu này, Việt Nam không còn là vùng trũng của giáo dục đại học và sẽ tạo động lực cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển đúng hướng.

Việt Nam không còn là vùng trũng của giáo dục đại học

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, việc Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lọt tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới là nỗ lực rất lớn của giáo dục đại học Việt Nam những năm qua. “Đến lúc chúng ta vui mừng, phấn khởi nói rằng chúng ta không phải là vùng trũng của giáo dục đại học nữa”, đại biểu Phạm Tất Thắng nói.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, có nhiều tiêu chí để xét trường đại học lọt tốp đại học tốt nhất thế giới, trong đó một trong những tiêu chí quan trọng là công bố quốc tế. Việc hai đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng thế giới, là thể hiện nỗ lực, nội lực và hướng đi đúng của các cơ sở giáo dục đại học; khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thành lập một số trung tâm đại học lớn và tập trung đầu tư cho các cơ sở này.

“Khi có cơ sở đầu đàn lọt tốp thế giới, sẽ là động lực cho các đại học khác cùng nỗ lực, cố gắng, xác định đúng định hướng giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình phát triển”, đại biểu Phạm Tất Thắng khẳng định.

Giáo dục đại học Việt Nam vừa qua đã có nhiều nỗ lực đổi mới, trong đó có việc liên kết đào tạo với các trường đại học lớn trên thế giới để đào tạo sinh viên tại Việt Nam theo phương thức du học tại chỗ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế, tình trạng nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn du học nước ngoài, dẫn tới chảy máu ngoại tệ.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Tất Thắng không phủ nhận thực tế, rằng đại học của Việt Nam còn khoảng cách nhất định với đại học tiên tiến trên thế giới. Theo ông, sinh viên ra nước ngoài có ưu thế về đào tạo, bên cạnh tiếp cận nền giáo dục hiện đại tiên tiến, có thuận lợi, các sinh viên được học trong môi trường ngoại ngữ. Sau tốt nghiệp, những sinh viên này vừa có trình độ chuyên môn tốt, vừa có phương pháp làm việc hiện đại và có vốn ngoại ngữ nhất định, nên du học có sức hút với sinh viên và những gia đình có kinh tế tốt.

Vậy làm thế nào để thu hút sinh viên Việt Nam có thể học tập tại Việt Nam, nhưng vẫn có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng: “Cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học làm sao bên cạnh chương trình đào tạo truyền thống, các trường đại học lớn cần có chương trình đào tạo quốc tế, để giúp sinh viên tiếp cận trường danh tiếng thế giới thông qua các chương trình liên kết đào tạo”.

Cần xử lý nghiêm việc để “lọt” đề thi tại kỳ thi THPT tại Hà Nội

Về hiện tượng “lọt” đề thi kỳ thi THPT tại Hà Nội hôm qua, bên lề Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng bày tỏ quan điểm, ngành giáo dục Hà Nội cần phải xem xét lại quy chế thi và biện pháp xử lý mạnh để có sức răn đe với đội ngũ giáo viên, học sinh, bảo đảm kỳ thi nghiêm túc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, việc lọt đề thi làm ảnh hưởng tâm lý của phụ huynh, học sinh, gây ra sự nghi ngờ trong dư luận. Điều này thể hiện rằng việc tổ chức thi chưa thật tốt, bảo mật chưa thật tốt.

“Ngành giáo dục Hà Nội cần phải rút kinh nghiệm, tăng cường phổ biến quy chế thi rộng rãi hơn nữa, giám sát chặt chẽ hơn nữa để giám thị không có vi phạm trong quá trình tổ chức trông thi. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội phải đối chiếu với quy chế thi, xem vi phạm ở mức độ nào thì xử lý đúng mức. Phải công bố rộng rãi kết quả xử lý để có tính chất răn đe, cảnh báo, rút kinh nghiệm làm tốt hơn ở kỳ tuyển sinh sau”, đại biểu Phạm Tất Thắng khẳng định.

Việt lọt đề thi là câu chuyện “nóng” của ngành giáo dục mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh cao đẳng, đại học. Về vấn đề này, đại biểu Vĩnh Long cho rằng, ngành giáo dục cần phải quan tâm xây dựng quy chế chặt chẽ, nghiêm túc cũng như việc phổ biến quy chế để đội ngũ giám thị nhận thức đúng, thực hiện đúng trách nhiệm của mình, bảo đảm cuộc thi được đúng quy chế, tránh gây áp lực cũng như căng thẳng lớn cho phụ huynh, học sinh. Giảm thiểu sai phạm, sơ suất là điều ngành giáo dục cần phải làm.

Theo baoNhandan