Thứ hai,  08/07/2024

Đề án dạy và học ngoại ngữ: Thực hiện có kết quả theo lộ trình

(LSO) – Thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND, ngày 20/3/2017 của UBND tỉnh về triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã thực hiện tốt các giải pháp và thu được kết quả bước đầu.

     Giải pháp về giáo viên

Năm học 2017 – 2018, toàn tỉnh có 924 giáo viên trực tiếp dạy tiếng Anh, trong đó có 301 giáo viên tiểu học, 438 giáo viên cấp THCS và 185 giáo viên cấp THPT. Tuy nhiên, do giáo viên được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng khác nhau và nhìn chung còn thấp. Hiện số giáo viên đạt chuẩn B2, C1 cấp tiểu học và THCS mới đạt 50,7%, số giáo viên cấp THPT đạt chuẩn mới ở mức 31,3%.

Trước thực trạng đó, công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh được coi là khâu then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học. Với sự tích cực, chủ động, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường về công tác bồi dưỡng giáo viên; phối hợp với các trường như: Đại học Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội bồi dưỡng nâng chuẩn. Phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức bồi dưỡng về phương pháp và năng lực cho đội ngũ giáo viên cấp tiểu học và THCS. Tổ chức hội thảo về phương pháp, sự đổi mới và năng lực khai thác trang thiết bị dạy tiếng Anh ở các cấp học. Đến tháng 6/2018, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ theo chuẩn khung năng lực 6 bậc của Bộ GD&ĐT là 46,56%, tăng gần 2% so với năm học trước.

     Giải pháp với người học

Việc dạy và học tiếng Anh đã được thực hiện theo đúng kế hoạch  của UBND tỉnh đề ra là triển khai có trọng điểm, mang tính vừa sức và phù hợp với đặc điểm học sinh từng vùng miền. Theo đó, năm học 2017 – 2018, toàn tỉnh có 20/232 trường mầm non với 91 nhóm lớp, 2.595 học sinh (chủ yếu ở khu vực thành phố Lạng Sơn và thị trấn) tham gia chương trình làm quen với tiếng Anh. Ở cấp tiểu học có 262/267 trường với trên 36 ngàn học sinh được học tiếng Anh, trong đó, có 10.614 em học 2 tiết/tuần, trên 15 ngàn em được học 3 tiết/tuần và gần 11 ngàn em học 4 tiết/tuần. Triển khai dạy chương trình 10 năm tại  77 trường THCS và 6 trường THPT, tiếp tục dạy chương trình 7 năm tại các trường THCS và THPT còn lại.

Giờ học Tiếng Anh tại Trường THCS Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn)

Ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất cho bộ môn như: cải tạo xây dựng phòng học ngoại ngữ, trang bị bộ trợ giảng ngoại ngữ cho các nhà trường, ngành đã tổ chức các hoạt động như: thi giao lưu tiếng Anh; đưa bộ môn tiếng Anh vào chương trình thi tuyển sinh vào cấp THPT; tạo điều kiện cho học sinh tham dự các kỳ thi tiếng Anh trên Internet… Nhìn chung, giải pháp đối với người học đã mang lại hiệu quả tốt và mang tính liên tục, từ khi trẻ làm quen với tiếng Anh ở cấp học mầm non đến khi người học có đủ trình độ để tham gia kỳ thi quốc gia ở cấp THPT.

     Kết quả và hạn chế

Qua đánh giá năm học 2017 – 2018, ở cấp tiểu học có  43,2% số học sinh hoàn thành tốt và 56,6% hoàn thành, tỷ lệ chưa hoàn thành là 0,19%, giảm 0,16% so với năm học trước. Cấp THCS có 15,2% số học sinh xếp loại giỏi, 39,2% loại khá, tỷ lệ xếp học lực yếu chỉ còn 4%. Cấp THPT có 9,1% loại giỏi, 30% loại khá và chỉ còn 10,7% loại yếu. Kết quả chung là như vậy, song nhìn vào phổ điểm môn tiếng Anh trong những kỳ thi THPT quốc gia gần đây, dư luận vẫn băn khoăn về chất lượng môn học đặc thù này so với cả nước và các tỉnh trong khu vực. Nguyên nhân trước hết là chất lượng đội ngũ còn thấp (gần 50% giáo viên cấp tiểu học và THCS, gần 70% ở cấp THPT chưa đạt chuẩn). Mặc dù ngành đã tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng, đào tạo lại… song một bộ phận giáo viên tiếng Anh vẫn ngại đổi mới, thiếu sáng tạo trong tổ chức giảng dạy, học tập. Học sinh thiếu môi trường, ít cơ hội được cọ sát, thực hành tiếng Anh để thành thạo cả 4 kỹ năng “nghe, nói, đọc, viết”. Lạng Sơn là tỉnh  có chung đường biên giới với Trung Quốc, song bộ môn tiếng Trung chưa được quan tâm đúng mức nên số lượng học sinh tham gia học tập còn ít. Đây cũng là vấn đề mà ngành GD&ĐT cần suy nghĩ.

MINH HỒNG (T.P Lạng Sơn)