Thứ hai,  08/07/2024

Dạy học tiếng Anh theo phương pháp tiếp cận năng lực: Nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học sinh trung học cơ sở

(LSO) – Với ưu điểm tạo môi trường cho học sinh tiếp cận tiếng Anh một cách dễ dàng, phù hợp với năng lực từng nhóm, phương pháp tiếp cận năng lực học sinh trung học cơ sở (THCS) đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Khảo sát thực tế cho thấy, những năm gần đây, công tác dạy và học tiếng Anh được chú trọng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, năng lực tiếng Anh của học sinh THCS trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Nguyên nhân là do tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo cấp học còn thấp; hoạt động dạy học chủ yếu diễn ra trong trường, lớp, nặng về điểm số và đánh giá năng lực theo khả năng đọc, viết; học sinh chưa nhận thức được vai trò của việc học tiếng Anh, chưa có điều kiện sử dụng ngoại ngữ, hiểu biết về văn hóa, xã hội, khai thác nguồn học liệu bằng tiếng Anh còn khiêm tốn.

Học sinh Truờng THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn học tiếng Anh qua mạng Internet

Tiến sỹ Phùng Quý Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết: Tiếng Anh là môn học giúp học sinh, sinh viên, thanh niên tự tin hơn khi hội nhập quốc tế. Tỉnh Lạng Sơn cũng có mục tiêu tăng cường khả năng ngoại ngữ cho học sinh, tuy nhiên kết quả đạt được chưa như mong muốn. Học sinh trên địa bàn tỉnh còn học nhiều ngôn ngữ (tiếng dân tộc, tiếng Trung Quốc ở khu vực giáp biên, tiếng Việt) nên việc học tiếng Anh còn hạn chế. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã nghiên cứu “Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Điểm nổi bật của giải pháp này là chú trọng phát huy tố chất của người học, tăng cường khả năng tự học giúp học sinh tự tin khi thực hành ngôn ngữ. Cùng đó, không dùng phương pháp so sánh giữa học sinh này với học sinh khác để đánh giá năng lực mà so sánh mức độ tiến bộ riêng của từng người.

Sau khi khảo sát, đánh giá năng lực giáo viên, học sinh cũng như hoạt động học tập, nhóm nghiên cứu đưa ra 4 nhóm giải pháp gồm: nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên; nâng cao năng lực dạy tiếng Anh và kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh THCS; rèn năng lực tự học tiếng Anh cho học sinh THCS; xây dựng mô hình tiếng Anh cộng đồng ở trường.

Các giải pháp được thực nghiệm tại 3 trường thuộc khu vực 1, 2, 3: THCS Vĩnh Trại (thành phố Lạng Sơn), Đồng Giáp, Tràng Phái (huyện Văn Quan) với 412 học sinh thuộc các khối lớp 6, 7, 8, 9.

Nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên nhóm đã hướng dẫn giáo viên rèn luyện kỹ năng phát âm, nghe, nói, đọc, viết, luyện tập ngữ pháp, từ vựng thông qua các hoạt động như: nghe và ghi âm lại giọng nói của mình, sau đó so sánh với giọng người bản địa; ghi chép; xem các chương trình tiếng Anh, tiếp cận tài liệu tiếng Anh… Dạy tiếng Anh và kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh THCS; giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức hoạt động dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, xây dựng và quản lý hồ sơ dạy học. Trong đó, kết cấu các giờ học được tổ chức linh hoạt đảm bảo không gây nhàm chán cho người học, đồng thời giờ học đều có nội dung phù hợp với từng nhóm học sinh từ yếu, trung bình đến khá, giỏi.

Rèn năng lực tự học trên lớp cho học sinh có các giải pháp: sử dụng ngôn ngữ đích; thiết lập và lưu giữ sổ từ vựng; phiếu ra, vào lớp; kỹ thuật suy ngẫm – làm việc theo cặp – chia sẻ. Ngoài giờ lên lớp học sinh được khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin để các trò chơi trí tuệ, tham gia các cuộc thi về tiếng Anh, tự học tiếng Anh qua bài hát, sử dụng nhật ký học tập…

Bên cạnh đưa ra các giải pháp giúp học sinh hứng thú hơn với việc học tiếng Anh trong và ngoài giờ học, nhóm còn xây dựng mô hình tiếng Anh cộng đồng với việc tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh, xây dựng thư viện tiếng Anh trong lớp học; tổ chức góc tiếng Anh; tổ chức các cuộc thi, gala tiếng Anh theo chủ đề; ngoại khóa tiếng Anh phạm vi toàn trường…

Sau 1 năm triển khai (từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2018) cho thấy, 50% học sinh không đạt các yêu cầu đề ra đã có sự cải thiện đáng kể, trong đó, khối 6, 7 cải thiện tốt hơn khối 8, 9. Trong mỗi giờ học hay hoạt động về tiếng Anh, các em đều tham gia sôi nổi, chủ động, đặc biệt có phản xạ tốt, tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

Việc tiếp cận tiếng Anh dựa trên năng lực của học sinh với các hoạt động phong phú, sáng tạo, hấp dẫn đã tạo sự hứng thú cho các em trong học tập. Từ đó, học sinh chủ động tham gia vào các giờ học trên lớp cũng như tự tìm hiểu. Sau khi thực nghiệm, một số trường thí điểm đã bắt đầu tiếp cận phương pháp này và đưa vào triển khai. Nhóm nghiên cứu đã tập huấn cho 100 giáo viên tiếng Anh các trường THCS. Với hiệu quả như trên, tin rằng thời gian tới phương pháp này sẽ được nhân rộng.

HOÀNG VƯƠNG