Thứ sáu,  20/09/2024

Trường học kết nối: Đồng hành cùng công cuộc đổi mới giáo dục

(LSO) – Từ năm học 2014 – 2015 đến nay, cùng với giáo dục cả nước, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn đã tiếp cận và sử dụng ngày càng hiệu quả hệ thống “trường học kết nối” để đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy, học tập…

     “Kết nối” để vươn lên

Với nhận thức công nghệ thông tin nói chung và hệ thống “trường học kết nối” nói riêng là một phần tất yếu của giáo dục hiện đại, trong  5 năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh một mặt tăng cường trang bị công nghệ cho các nhà trường; mặt khác chủ động phối hợp với chi nhánh Công ty Viễn thông Quân đội Viettel để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ( CNTT), nhất là kết nối hệ thống cáp quang với dung lượng cao và ổn định tới các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Chỉ đạo toàn ngành tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy và học. Khi hệ thống “trường học kết nối” ra đời tháng 10/2014, mỗi giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh coi đây là thời cơ để mỗi cá nhân tự trang bị cho mình phương tiện nhằm đổi mới căn bản cách dạy, cách học theo hướng hiện đại.

Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tự học qua mạng “trường học kết nối”

Trong 5 năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã có trên 10 ngàn cán bộ, giáo viên đăng ký tài khoản tại mạng “trường học kết nối”; trong đó, có 100% giáo viên cấp trung học và trên 60% giáo viên cấp tiểu học. Số tài khoản của học sinh, sinh viên là trên 100 ngàn, chủ yếu là sinh viên các trường: cao đẳng, trung cấp, trường nghề; học sinh cấp THPT, học viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp –  giáo dục thường xuyên và trên 50% học sinh cấp THCS. Trong đó, số tài khoản của giáo viên được sử dụng thường xuyên đạt trên 85%, số tài khoản của học sinh được sử dụng thường xuyên đạt gần 40%. Nhiều trường trên địa bàn thành phố, thị trấn 100% giáo viên và học sinh có tài khoản tại mạng giáo dục lớn nhất này. Sự phát triển nhanh và bền vững CNTT và ứng dụng mạng “trường học kết nối” đã đưa Lạng Sơn trở thành 1 trong những tỉnh đứng đầu về ứng dụng CNTT trong ngành GD&ĐT.

     Thụ hưởng không gian mới trong dạy và học

Thầy giáo Hoàng Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Tràng Định cho biết: Với tỷ lệ 100% cán bộ, giáo viên có máy vi tính, hạ tầng cáp quang hoạt động khá ổn định, đội ngũ cán bộ nhà trường được hưởng lợi rất nhiều về cả công tác quản lý giáo viên và học sinh, lập, phổ biến, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Đội ngũ giáo viên không những tham gia công tác tập huấn, thảo luận, nộp bài kiểm tra các chuyên đề tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên hoặc đột xuất, mà không gian mạng còn là nơi để họ thảo luận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là những vấn đề mới. Trong sinh hoạt chuyên môn, hệ thống “trường học kết nối” đã tạo rất nhiều thuận lợi cho từng người và hội đồng chuyên môn. Nếu trước đây, sau khi dự giờ, giáo viên phải ngồi lại để họp rút kinh nghiệm, nay họ có thể về nhà và góp ý thông qua mạng, tổ trưởng tổng hợp các ý kiến, lập biên bản công bố công khai trên mạng. Như vậy, vừa khắc phục được tình trạng e dè, nể nang khi góp ý trực tiếp, vừa tiết kiệm thời gian cho giáo viên.

Em Trần Thanh Liên, học sinh lớp 10, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Với tài khoản được cung cấp, em dễ dàng tiếp cận với thư viện học liệu, những câu hỏi, bài tập, đề thi, kế hoạch bài học, tư liệu tham khảo… để chủ động trong học tập. Đây cũng là diễn đàn chung đối với học sinh, là cầu nối giữa học sinh và thầy cô giáo bộ môn. Em Nông Thanh Thảo, học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Nếu trước đây em thường xuyên phải đi học thêm, thì nay qua mạng “trường học kết nối” em đã có thể tự học ở nhà bằng cách lên mạng để tìm các bài tập bổ trợ, nâng cao, cách giải hay, qua đó bồi dưỡng thêm kỹ năng chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia THPT sắp tới”.

Năm năm qua, nhờ mạng “trường học kết nối”, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên Lạng Sơn đã hòa nhập nhanh với đội ngũ cán bộ, giáo viên cả nước và bản thân họ đã lớn lên hằng ngày về chuyên môn; thực sự đổi mới về phương pháp giảng dạy. Nói cách khác, mạng “trường học kết nối” đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ từ cán bộ quản lý đến  người dạy và người học.

MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)