Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển năng lực học sinh qua hoạt động trải nghiệm

Hoạt động trải nghiệm của học sinh là một yêu cầu quan trọng của dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, trải nghiệm và trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12.

Phát triển năng lực học sinh qua hoạt động trải nghiệm

Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội). 

 

Thời gian qua, hoạt động trải nghiệm (HĐTN) trong trường học ở các địa phương được triển khai với nhiều hình thức phong phú và hiệu quả.

Phát triển năng lực học sinh trung học phổ thông thông qua HĐTN trong môn Vật lý như ở tỉnh Quảng Bình được đánh giá là cách làm sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy và học. Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Quảng Bình Bùi Trọng Nhân chia sẻ: Vật lý là môn khoa học có nhiều nội dung gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Trên cơ sở các dụng cụ học tập được trang bị tại lớp, học sinh lắp ráp, tự tạo các tình huống chuyển động của vật, từ đó hình thành năng lực tự chủ, hợp tác và tự giải quyết vấn đề, đồng thời phát triển kỹ năng quan sát, phân tích, tổng hợp và trình bày kết quả hoạt động của mình. Ngoài ra, qua quan sát chuyển động của các loại phương tiện ô-tô, xe lửa, tàu điện trên màn hình mô phỏng, học sinh rèn luyện được kỹ năng quan sát, phân tích và đề xuất lựa chọn được các phương án xác định vận tốc của vật chuyển động.

Với phương châm dạy học gắn với thực tiễn, Sở GD và ĐT Lào Cai đã chỉ đạo và định hướng các cơ sở giáo dục xây dựng các mô hình giáo dục tiểu học phù hợp với tình hình thực tế. Trên địa bàn, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, do đó, từ năm 2003 đến nay, Trường tiểu học Bản Xen đã xây dựng khu nông trại trong trường học để học sinh học và rèn luyện các kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt. Khu nông trại có ao cá, chuồng nuôi ngỗng, gà, dê và vườn rau xanh được các lớp học phân công luân phiên chăm sóc. Để hướng dẫn cho học sinh cách chăm sóc vật nuôi, kỹ thuật trồng và thu hoạch rau xanh, nhà trường mời các gia đình chăn nuôi, trồng trọt giỏi ở địa phương đến hướng dẫn. Từ thực tế triển khai, nhà trường đã xây dựng cuốn tài liệu của mô hình gồm các bài hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi, trồng rau, hoa… Cuốn tài liệu đã được nhiều trường tiểu học ở địa phương tham khảo và áp dụng. Theo Sở GD và ĐT Lào Cai, mô hình trường học nông trại là một mô hình giáo dục kết hợp hài hòa giữa học kiến thức nhà trường và kiến thức có từ gia đình, cộng đồng, để khi học xong chương trình phổ thông, học sinh sẽ quen với những công việc thường nhật của gia đình.

Tương tự, tại Ninh Bình, trên cơ sở những kết quả đã đạt được của các mô hình HĐTN, thời gian tới, Sở GD và ĐT tỉnh Ninh Bình có kế hoạch áp dụng triển khai đại trà, nhân rộng tổ chức tám mô hình HĐTN ở cấp THCS và THPT, như: Câu lạc bộ tiếng Anh; giờ chào cờ lồng ghép dạy tiếng Anh; giờ sinh hoạt lớp theo chủ đề; hoạt động trải nghiệm có ứng dụng công nghệ thực tế ảo; hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ đề; hoạt động trải nghiệm về khoa học, kỹ thuật ứng dụng; giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học qua hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế tại cơ sở sản xuất; ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong tổ chức các hoạt động giáo dục tại thư viện…

Bên cạnh những trường học thực hiện HĐTN có hiệu quả, vẫn còn nhiều trường tổ chức HĐTN chưa đa dạng, nội dung gắn với các môn học rất ít, thời gian tổ chức các hoạt động tập trung vào các dịp lễ, Tết và cách thức tổ chức chủ yếu theo kinh nghiệm. Bên cạnh đó, khi tổ chức các HĐTN ở trường phổ thông thường gặp phải những khó khăn về năng lực, kiến thức, kinh nghiệm của giáo viên và cán bộ quản lý về HĐTN; thiếu các mô hình HĐTN mẫu để học tập; hạn chế về kinh phí và các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh khi tổ chức các HĐTN.

Theo các chuyên gia giáo dục, HĐTN không thể tách rời thực tiễn cuộc sống. Nội dung hoạt động được tiến hành theo chủ đề của từng cấp học khác nhau, đòi hỏi người tham gia phải tự giác, tích cực tham gia mới có hiệu quả. Địa điểm HĐTN có thể tổ chức tại nhiều nơi khác nhau, trong hoặc ngoài nhà trường, như: Lớp học, thư viện, phòng đa năng, sân trường, bảo tàng, di tích lịch sử và văn hóa, các làng nghề, cơ sở sản xuất… Bộ GD và ĐT cần ban hành những quy định khung về các HĐTN, để từ đó các trường triển khai, vận dụng phù hợp với thực tế địa phương. Các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, thời gian, địa điểm và phương pháp; làm tốt công tác phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh, các đoàn thể và địa phương trong quá trình tổ chức.

Theo Nhandan