Thứ năm,  19/09/2024
Phân luồng học sinh:

Nhiều kết quả khả quan

LSO-Bằng sự kiên trì thực hiện nhiều giải pháp, công tác phân luồng học sinh của ngành giáo dục – đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn đã từng bước mang lại  kết quả tốt.


Học sinh lớp trung cấp may công nghiệp của Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn
trong giờ thực hành

Từ hướng nghiệp đến khởi nghiệp

Cùng với việc  ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “ Hỗ trợ học sinh sinh viên (HSSV) khởi nghiệp đến năm 2025”, trong những tháng cuối năm 2018, ngành GD&ĐT đã tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh của HSSV năm 2018” thu hút 21 cơ sở giáo dục, 2 doanh nghiệp và Tỉnh đoàn Lạng Sơn tham gia. Cùng với đó, cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp 2018” với hàng ngàn HSSV của 24 đơn vị tham gia gồm 8 trường THPT, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp tỉnh, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX, trường cao đẳng nghề. Hội thi đã chọn được 50/52 dự án để trao giải. Tại hội thi này, Ban tổ chức còn mời các doanh nghiệp tham gia đánh giá các sản phẩm, tư vấn, trả lời các câu hỏi của HSSV liên quan đến nghề nghiệp, khởi nghiệp. Ngoài ra, các em còn  được các nhà tuyển dụng chia sẻ cơ hội về việc làm và nơi làm việc. Hội thi cũng bước đầu tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và nguồn nhân lực tiềm tàng tại các nhà trường.

Thành công của các hoạt động đỉnh cao trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh là kết quả của công tác dạy học gắn với thực tiễn nghề nghiệp, nhất là mô hình trường học thực tế, học đi đôi với hành, hoạt động dạy và học gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại địa phương. Những mô hình dạy học gắn với thực tiễn như mô hình vườn hồng, vườn quýt, vườn na… lớp học gắn với quảng bá du lịch, dịch vụ; mô hình lớp học di sản trong khuôn viên di tích với nhiều văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa ẩm thực Xứ Lạng đã  khơi gợi tinh thần yêu quê hương đất nước, ý thức nghề nghiệp và tinh thần khởi nghiệp trong HSSV. Khởi nghiệp có định hướng và gắn liền với dạy nghề có tác dụng lớn đến công tác phân luồng học sinh ở cấp THCS và THPT.

Sức hút từ các trường nghề

Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng  Trường Cao đẳng nghề  Lạng Sơn cho biết, chính việc triển khai có hiệu quả công tác phân luồng học sinh mà từ mấy năm nay, nhà trường luôn dồi dào “đầu vào” bao gồm  nhiều đối tượng tuyển sinh: học sinh hoàn thành chương trình THCS vừa học chương trình bổ túc văn hóa THPT và chương trình trung cấp nghề; học sinh tốt nghiệp THPT vào học cao đẳng nghề. Năm học 2018-2019, nhà trường đã có 800 học sinh, trong đó có trên 600 học sinh vừa học bổ  túc THPT, vừa học trung cấp nghề. Tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX các huyện, số lượng học sinh vào học bổ  túc THPT, chương trình sơ cấp, trung cấp nghề vượt cao so với nhiều năm. Cô Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập cho biết: Được tư vấn, hướng nghiệp khá chu đáo, mấy năm học gần đây, học sinh tốt nghiệp THCS xin vào học tại Trường Trung cấp nghề Lạng Sơn hoặc vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện đã nhiều hơn. Năm học 2018-2019, đã có 20 học sinh Đình Lập học bổ túc THPT và trung cấp nghề tại Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn.

Bằng sự kiên trì trong công tác tuyên truyền, tư vấn, bằng những việc làm thiết thực trong đổi mới công tác hướng nghiệp, dạy nghề; bằng nhiều kênh trong công tác phát  động phong trào khởi nghiệp, việc phân luồng học sinh ở Lạng Sơn đã có những  chuyển biến  rõ nét. Từ tỷ lệ 80-86% học sinh tốt nghiệp THCS thi vào THPT những năm trước, năm học 2018-2019 này chỉ còn 76,6%, số còn lại phần lớn là học theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề.   Năm 2018, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển vào đại học đã giảm trên 25% so với năm học 2012-2013.

Bà  Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Quán triệt triển khai các chỉ thị của Đảng, quyết  định của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của UBND tỉnh và của ngành về công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT, trong năm vừa qua, công tác phân  luồng học sinh đã  từng  bước đạt kết quả,  đặc biệt là  năm 2018. Kết quả trên tạo đà cho  tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có từ 25-30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp và trung cấp; có 25% học sinh tốt nghiệp THPT  tiếp tục học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng như Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của  Thủ tướng Chính phủ đặt ra.

MINH HỒNG