Thứ sáu,  20/09/2024

Đại biểu QH: Nói giáo dục toàn màu xám là không khách quan

Ông Mai Sỹ Diến – Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho rằng, ngành giáo dục những năm qua đã có nhiều đóng góp, thành tựu đáng ghi nhận. Do đó, sẽ không công bằng, khách quan khi vì một số tiêu cực mà cho rằng giáo dục hiện nay toàn màu xám.

 

Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến bày tỏ sự đáng tiếc khi nhiều ý kiến phát biểu trong buổi thảo luận được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình chưa nêu đầy đủ bức tranh tổng quan của ngành giáo dục để cử tri cả nước hiểu rõ. Các ý kiến mới chỉ nhắc tới một số tiêu cực trong thời gian vừa qua mà không nói về những đóng góp, thành tựu đáng ghi nhận của ngành giáo dục.

“Quan điểm của tôi là chúng ta phải nhìn tổng thể để thấy được cả mặt tích cực và tồn tại của ngành giáo dục. Những đóng góp, thành tựu của ngành trong các năm qua là không thể phủ nhận. Do đó, không thể lấy một số vấn đề cục bộ để cho rằng giáo dục hiện nay toàn gam màu tối. Cách đánh giá, nhìn nhận như thế là không khách quan, khiên cưỡng, thiếu công bằng”, ông Mai Sỹ Diến nói.

Thành tích đáng biểu dương nhất của ngành giáo dục, theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, chính là việc đổi mới thi cử. Hình thức thi tốt nghiệp THPT, thi đại học như trước đây có chung mục tiêu như kỳ thi THPT quốc gia hiện nay là nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh, phân loại thí sinh làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, cách tổ chức thi trước đây làm cả xã hội, gia đình, người học phải áp lực, tốn kém khi rồng rắn đưa nhau lên thành phố, thuê trọ, dự thi nhiều đợt… Kỳ thi THPT quốc gia hiện nay đã khắc phục được những tồn tại này và vẫn đạt được mục tiêu đánh giá chất lượng học tập, làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tính hiệu quả của kỳ thi THPT quốc gia do đó là cao hơn và thực tế xã hội đã ghi nhận đóng góp tích cực của kỳ thi gọn nhẹ, không áp lực, giảm tốn kém này.

Ngoài ra, còn có những thành tích của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi ở khu vực, quốc tế; những tấm gương học sinh, giáo viên sẵn sàng hi sinh bản thân để cứu người khác, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn… theo Đại biểu Mai Sỹ Diến, đây là những thành tựu không thể phủ nhận của ngành giáo dục. Tuy nhiên, điều đáng buồn là những tấm gương trong giáo dục này lại ít được thông tin trong khi một số tiêu cực lại liên tục được nhắc tới trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Tiêu cực trong giáo dục có trách nhiệm của nhiều bên liên quan

Tiêu cực trong ngành giáo dục được một số đại biểu nêu ý kiến trong ngày thảo luận tại Quốc hội ngày 30/5, tập trung vào 2 nhóm vấn đề là: Bạo lực học đường, suy giảm đạo đức trong trường học và gian lận thi cử. Theo Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến, những vấn đề này đều có trách nhiệm của nhiều bên liên quan chứ không riêng gì ngành giáo dục.

Trong câu chuyện bạo lực học đường, hành xử không đúng mực giữa học sinh-giáo viên thời gian qua, đại biểu Diến cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình, tiếp đến là sự suy thoái đạo đức lối sống của một số cán bộ, nhân viên. Ngành giáo dục có trách nhiệm trong việc này ở chỗ chưa tạo ra được một chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, hướng dẫn hành xử cho giáo viên, đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới khi công nghệ thông tin bùng nổ, hội nhập quốc tế cao.

Trong việc gian lận thi THPT quốc gia năm 2018, về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho rằng, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm trong việc để xảy ra lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi. Quy trình tổ chức thi do Bộ đề ra có liên quan đến tính bảo mật, nhưng nếu những người tham gia thực hiện cố tình làm sai một cách có tổ chức, hệ thống thì việc bảo mật không thể đảm bảo được.

“Phải nhìn nhận khách quan rằng, những sai phạm mang tính hệ thống, có tổ chức là rất khó phát hiện. Bộ GD&ĐT khi nắm bắt được vấn đề này đã rất có trách nhiệm khi nhanh chóng báo cáo Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kịp thời. Bộ cũng kịp thời vào cuộc cùng với ngành Công an để xác minh sai phạm, đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh. Song song với đó, ngành giáo dục đã tập trung làm rõ, tìm ra nguyên nhân, những lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi và có các thay đổi cụ thể trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay”, Đại biểu Diến nói.

Phía có trách nhiệm thứ 2 trong vụ gian lận thi cử là địa phương – đơn vị trực tiếp tổ chức thi, chấm thi. Khi chọn lựa cán bộ vào Ban Chỉ đạo thi, làm công tác coi thi, chấm thi… địa phương đã để một số cán bộ suy thoái đạo đức tham gia đội ngũ này. Dưới tác động từ bên ngoài, có thể là từ đồng tiền, quyền lực, một số cán bộ địa phương đã không giữ được mình, trực tiếp gây ra sai phạm.

Trách nhiệm tiếp theo thuộc về phụ huynh học sinh – những người đã có thể dùng tiền, dùng quyền tác động tới cán bộ làm thi để gian lận điểm thi cho con em. Một số cán bộ công an tham gia giám sát chấm thi để xảy ra sai phạm cũng có phần trách nhiệm.

“Tôi thấy đáng tiếc là phiên thảo luận hôm nay truyền hình trực tiếp, cử tri cả nước đều theo dõi được nhưng một số đại biểu nêu ý kiến hơi cực đoan, chưa đầy đủ thông tin, không nhắc được những thành tựu của ngành giáo dục, khiến bức tranh giáo dục được vẽ ra chưa toàn diện, chính xác”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Mai Sỹ Diến nói.

Gian lận điểm thi THPT 2018: Phải có đủ cơ sở mới phân định trách nhiệm

Theo Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An), Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các cơ quan cũng như cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng tiến hành các quy trình theo quy định.

“Bây giờ muốn đưa ra xử lý thì phải có quá trình điều tra, đủ cơ sở pháp lý để kết luận vấn đề đó là sai phạm và sai phạm tới đâu, những người nào có sai phạm… Phải có đủ cơ sở để phân định trách nhiệm như vậy thì mới xét xử. Như chúng ta đã biết, luật pháp của chúng ta là công khai, minh bạch. Do đó, tôi nghĩ rằng đến thời điểm này, khi cơ quan công an đã có kết luận điều tra cũng đã công bố thông tin để người dân và cử tri biết còn những cái nào chưa đủ cơ sở, chưa đủ kết luận hoặc trong quá trình điều tra thì các cơ quan chức năng tiếp tục làm”, bà Dung nhận định.

Cần đẩy nhanh tốc độ xử lý gian lận thi cử

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định rằng cử tri và nhân dân cả nước rất bức xúc về tốc độ xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.

“Dĩ nhiên, trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã khởi tố thêm, cũng có phát hiện ra một số tình tiết quan trọng nữa. Tốc độ xử lý như thế là chưa được, cần phải đẩy nhanh tốc độ và phải xử lý thật nghiêm vì việc này xảy ra đã hàng năm trời rồi, sắp đến mùa thi khác rồi mà cái tồn tại của mùa thi khác không xử lý được thì việc xem xét để rút kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề của mùa thi tới như thế nào? Thứ 2, cử tri cũng lo ngại khả năng để lâu thì không xử lý được ai cả”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, việc xử lý chậm như thế này trách nhiệm chính đầu tiên phải thuộc về cấp ủy và chính quyền các địa phương, tiếp đó là sự đôn đốc của Bộ GD&ĐT và thứ 3 là các cơ quan pháp luật. “Trong đó có Bộ Công an phải chỉ đạo công an các tỉnh vì bây giờ chúng ta đưa vào quá trình điều tra rồi, có sự chỉ đạo đưa vào quá trình điều tra rồi, vậy tại sao lại chậm chạp? Tại sao không khẩn trương khởi tố để xử lý? Tôi nghĩ rằng việc này có gì phức tạp đâu? Đặc biệt quá trình thi cử là một quá trình khép kín, số lượng người tham gia vào quá trình đó không nhiều, vậy có gì mà phức tạp. Tôi cũng là một trong những người tổ chức thi, chúng tôi rất biết câu chuyện đó”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, xử lý vụ việc của một số người vi phạm chẳng qua chỉ là bài học cảnh tỉnh, xử lý để khôi phục niềm tin cho người dân, để người dân tin rằng con em họ sẽ được đối xử công bằng mới là việc cần phải làm và phải làm trong một thời gian dài.

Theo Chinhphu